Chưa đến 7 giờ tối, các tuyến phố đi bộ Hà Nội đều dậy mùi cơm rang, phở xào, mỳxào, nầm bò nướng,… tranh thủ ba tối cuối tuần, các chủ nhà hàng thu về lãi bạc triệu.
75.000 đồng một suất bít tết, 50.000 đồng một suất cơm rang dưa bò, 50.000 đồng một đĩa phở xào, mỳ xào, một bát xôi gà giá 30.000 đồng,… Đó là bảng giá đã được niêm yết tại các hàng ăn nằm trên các tuyến phố đi bộ trên phố cổ Hà Nội.
Hút khách nhất có lẽ phải kể đến các quán cơm rang, bò nầm nướng, bít tết trên phố Mã Mây, ngã tư Hàng Buồm – Hàng Giầy.
Nhân viên một nhà hàng cơm rang dưa bò trên phố Mã Mây đang tích cực phục vụ dòng khách đang ngày càng đông. |
Một quán khác cuối phố Mã Mây, lượng khách “dày”, khách đến muộn hơn phải vui lòng chờ đợi nhà hàng chuẩn bị món.
Quán hoạt động từ 6 giờ tối cho tới tận đêm khuya. “Thường thì quán sẽ phục vụ liên tục cho tới khi các hoạt động trong phố đi bộ kết thúc, là 12 giờ đêm. Mỗi tối trung bình chúng tôi nhận khoảng 200 – 300 đơn hàng. Lãi thu về cũng đến gần chục triệu đồng”, chị Hoa phấn khởi.
Một quán khác cuối phố Mã Mây, lượng khách “dày”, khách đến muộn hơn phải vui lòng chờ đợi nhà hàng chuẩn bị món. |
Đi dọc các tuyến phố đi bộ, hiếm thấy có cửa hàng nào phục vụ một món. Chiêu thức hút khách của một quán hàng lớn tại đầu phố Hàng Buồm là chiêu kinh doanh “đa di năng”.
Món tủ của quán chính là món nem chua rán, song quán còn bán thêm cả xôi xoài, phô mai que, trà chanh, trà đá,… “Mỗi chiếc nem chua rán và phô mai que đều lãi tới 4.000 đồng, mỗi tối nếu được 200 khách thì quán lãi tới 2 – 3 triệu đồng”, chị Ngân, chủ quán tiết lộ.
Quán thịt bò nướng trên phố Hàng Buôm càng về đêm càng 'hot'. |
Không riêng mình quán chị Ngân, các quán hàng khác cũng áp dụng phương thức kinh doanh tương tự, nhằm tăng bội phần doanh thu cho quán.
Quán chè của chị Thu Thủy, 96 Hàng Buồm bán đặc sản “gà”, phở – bún – miến – cháo – súp gà, đồng giá 30.000 đồng một suất. Ngoài ra, quán còn kinh doanh thêm chè, kem, giá dao động từ 15.000 đồng – 20.000 đồng mỗi loại. “Quán đông khách đến nỗi, tôi không đếm xuể và thường xuyên nghỉ vào lúc 2 – 3 giờ sáng. Lãi tầm 2 – 3 triệu một ngày”.
Chị còn chia sẻ, các quán hàng xung quanh đều mới mở từ khi có chợ đêm, riêng quán chị đã hoạt động được 9 năm.
“Tiết trời se lạnh, vào những ngày cuối tuần, nam thanh nữ tú nô nức rủ nhau lên phố cổ, đi bộ mãi cũng mỏi chân nên dừng chân tại các quán ăn là điều dễ hiểu. Nắm bắt được tâm lý này, các chủ quán đã tức thời xây dựng thương hiệu cho mình”, chị nói vui.
Người trẻ vừa thưởng thức mì xào trong tiết trời se lạnh đầu thu, vừa trò chuyện rôm rả. |
Khi được hỏi về giá cả của mỗi món trong quán, đa phần thực khách cảm thấy khá hài lòng, cho rằng giá trên phố cổ như thế cũng là hợp lý. Điểm cộng của các quán là đồ ăn ngon và thái độ phục vụ nhiệt tình, hoà nhã.
Ngã tư Phố Tây Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến tưởng như chưa bao giờ đông đúc hơn thế. Không một mét vuông đất nào còn trống. Đêm càng khuya thì lượng khách gọi bia và đồ nhằm ngày càng đông. Họ thường đi theo nhóm, trò chuyện rôm rả khiên tuyến phố như một khu chợ sầm uất.
Các chủ quán bia Tạ Hiện cho biết, thường thì khách ít khi gọi bia không, mà phải kèm theo đồ nhắm. “Nói chung bán hàng này, lãi khá cao”, một chủ quán bia hồ hởi đón một nhóm người mới đến.
Biển người một góc phố Tạ Hiện. |
Bia được bán theo chai với giá theo từng loại: Bia Sài Gòn 20.000 đồng/chai, bia Hà Nội 15.000 đồng/chai. Đồ nhắm là những món ăn dân dã hàng ngày nhưng luôn “sốt” khi trở thành đồ nhắm vì “không thể không có”.
Theo tiết lộ của chị chủ quán Thu Hà, giá của mỗi món đồ nhắm dao động từ 50.000 – 80.000 đồng, chưa kể quán còn bán thêm cả đồ ăn vặt và nước uống giải khát: chanh tươi, chanh leo,… Mỗi tối, chị thu về gần chục triệu đồng, trừ tiền vốn, cũng phải lãi tới 5 – 6 triệu đồng.
Tranh thủ ba tối cuối tuần, bác Nguyễn Văn Chung, quê Nam Định cũng thu được bội tiền từ việc bán kem mút trên đường Lương Ngọc Quyến. Bác lãi được 200.000 – 300.000 đồng một tối. “Chỉ có những ngày cuối tuần mới kiếm được thôi, thêm thu nhập vào cho những ngày bán rong bù lỗ”.
Bác Lâm, thực khách của một quán thịt bò nướng trên phố Hàng Buồm đã bày tỏ sự hài lòng của mình bằng cách “quảng cáo” khéo thay cho quán: “Qua ăn đi cháu, đồ ăn của quán ngon mà rẻ lắm. 110.000 đồng đủ cho 4 suất ăn. Không phải lo đắt đâu”.
Lý giải về hiện tượng các quán đông khách, các chủ quán cho biết, các tuyến phố đi bộ ra đời đã mang đến thời cơ vàng cho các chủ nhà hàng. Nhiều hàng quán đã được khai sinh trong thời điểm này.
Mỗi tối cuối tuần, điểm trông xe ngã tư Đinh Liệt – Gia Ngư nhận trông hơn 1500 chiếc xe mỗi tối, thu lãi từ 5 – 6 triệu đồng. |
Bấy lâu nay, nghề trông xe được “lọt top” nghề “hot” tại phố cổ Hà Nội. Mục sở thị tới một vài điểm gửi xe mới biết được điều đó hoàn toàn có cơ sở. Các điểm gửi xe hầu hết nằm rải rác trên các tuyến phố đi bộ như ngã tư Đinh Liệt – Gia Ngư.
Mỗi tối cuối tuần, điểm trông xe ngã tư Đinh Liệt – Gia Ngư nhận trông hơn 1500 chiếc xe mỗi tối, thu lãi từ 5 – 6 triệu đồng.
Bác Tài tự hào cho biết, xe hai bên đường Hàng Bạc đều thuộc quyền trông coi của bác. Mỗi ngày, bác “thầu” hơn 1000 chiếc xe máy và chỉ có những trường hợp hy hữu mới có một chiếc xe đạp. Với giá trông xe được niêm yết, 1000 chiếc xe máy mỗi ngày mang lại cho bác 5 triệu đồng. “Nếu không có lãi thì có lẽ tôi đã phải về quê lâu rồi”, bác Tài lý giải cho sự nhiệt tình của mình trong thời điểm “vàng”.
Trong khi tiền lãi hàng chục triệu đổ vào túi người buôn mỗi tối thì vỉa hè ngày càng co cụm do nạn lấn chiếm. Không có lối đi, người dân đành đi bộ xuống lòng được với bao nguy hiểm rình rập.