Đại gia Toàn “đô la” ở Phú Thọ sở hữu vườn cây cảnh triệu đô được hội Sinh vật cảnh châu Á bình chọn là Vườn cây xuất sắc nhất Đông Nam Á.
Cây sanh có tên "Ngọa hổ tàng long" của ông Toàn "đô la" từng được khách trả giá 1,4 triệu USD. Ảnh: Dân Việt |
"Vườn cây di sản"
Thời gian qua, vườn cây của ông Phan Văn Toàn (tên còn gọi Toàn “đô la”, tại TP. Việt Trì – tỉnh Phú Thọ) thường xuyên thu hút rất đông đoàn khách yêu cây từ khắp mọi miền đất nước đến tham quan, thưởng lãm. Giới chơi cây cảnh cả nước đều công nhận vườn cảnh của ông là "Vườn cây di sản" đầu tiên ở Việt Nam do sở hữu hàng loạt cây cảnh cực quý hiếm. Hiện tại Toàn "đô la" sở hữu đến 3 vườn cây, mỗi vườn có từ vài chục đến hàng trăm cây cảnh.
Tại khu gia trang nằm ngay ở vị trí đắc địa của thành phố Việt Trì, quy tụ hàng trăm cây cảnh khác nhau, nhiều cây thuộc vào dạng quý hiếm, “có một, không hai”. Đặc biệt, cây giá trị thấp nhất khoảng 50 triệu đồng, cao nhất lên đến trên 30 tỷ đồng và hàng loạt cây được công nhận là cây di sản của Việt Nam.
Bén duyên với thú chơi cây cảnh chỉ hơn 10 năm nay nhưng hiện khối tài sản riêng cây cảnh của Toàn "đô la" lên đến 300 tỷ đồng. Ông chia sẻ: "Ngày nào cũng trăn trở, cũng có mặt tại vườn cây để tỉa tót chăm sóc và ngắm. Rất nhiều cây do tôi sở hữu được chứng nhận là cây di sản, có tuổi thọ lên đến 600 năm. Để sở hữu những cây cảnh có giá trị và độc đáo, tôi phải săn lùng khắp mọi miền đất nước. Có những cây tôi "săn đón" 6 - 7 năm mới mua được".
Được biết, ông Toàn người nổi tiếng khắp nước, thậm chí được nhiều tổ chức, tạp chí trên thế giới vinh danh vì niềm đam mê cây cảnh cũng như sở hữu khối tài sản khổng lồ từ vườn cây.
Những tác phẩm nghệ thuật vô giá
Tất cả những cây cảnh có giá trị cao được ông Toàn sưu tập, săn lùng suốt nhiều năm nay. Đứng trước một cây sanh cổ, chủ nhân của tác phẩm cho biết, đây là cây sanh lá nhỏ hiếm có và có độ chuyển của thân uốn lượn xuống phía dưới rất ngoạn mục. Cây có giá trị khoảng 5 tỷ đồng. Cạnh đó là cây bằng lăng hình nấm có tuổi đời gần 300 năm, có xuất xứ từ cung đình Huế xưa. Cây hội đủ 3 tiêu chuẩn chung là cổ - kỳ - mỹ. Cây có chiều cao 1,3m, hoành thân 50cm với độ rộng của tán lên gần 2m. Theo anh Toàn, cây này để chơi chứ không bán, còn nếu tính giá trị của cây cũng phải trên 2 tỷ đồng. Tại vườn cây quý, một cây duối cổ nổi bật bởi dáng vẻ uyển chuyển, uốn lượn theo hình chữ “Tâm”.
Cách đây không lâu, vị đại gia Phú Thọ từng gây xôn xao dư luận khi tuyên bố đây là “cây duối đẹp nhất Việt Nam”. Được biết, ông Toàn mua cây này cách đây 10 năm với giá 3,7 tỷ đồng. Cạnh đó là cặp cây khế cổ được chứng nhận là "Cây di sản Việt Nam" có tuổi đời trên 200 năm, được đại gia đất Tổ mua từ cung đình Huế cách đây nhiều năm với giá trên 7 tỷ đồng. Cặp khế được vua làm theo tích “tam cương ngũ thường” có nghĩa là: Đạo làm cha thì phải làm sao, đạo làm con thì phải làm sao và đạo làm trai phải làm như thế nào... Dáng thế trực, một cây khế chồng, một cây khế vợ. Chủ nhân cũ của cặp khế cho biết, cây do đích thân vua Gia Long trồng và chăm sóc. Hiện giá trị của cặp khế này khoảng hơn 10 tỷ đồng. Một cây khế cổ (ta) khác có tuổi đời khoảng 200 năm trong vườn nhà anh Toàn. Cây nổi bật bởi thân cổ kính, hình dáng đẹp tự nhiên, hiếm có. Theo anh Toàn, cây khế này vừa được mang đi triển lãm “Sinh vật cảnh” ở Ninh Bình, có người trả giá 11 tỷ đồng nhưng anh chưa đồng ý bán.
Chưa hết, tác phẩm “siêu” cây xanh “Ngọa hổ tàng long” được biết đến là cây “quý”, có giá trị đắt đỏ bậc nhất hiện này. Cây có dáng đầu hổ, mình rồng toát lên sự uy quyền, mạnh mẽ. Ông Toàn cho biết, cách đây vài năm, Chủ tịch hội Sinh vật cảnh Đài Loan đã từng trả giá 1,4 triệu đô để sở hữu “siêu cây” quý hiếm này nhưng ông không đồng ý bán. Bên cạnh đó, cây tùng cổ La Hán được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam, theo tích truyền lại, cây có tuổi đời khoảng 600 năm. Cây cao 4,5m, đường kính gốc khoảng 60cm, có dáng “độc trụ kình thiên – cây gậy chống trời”. Cũng tại khu vườn, tác phẩm cây sanh “nỏ thần” có tuổi đời trên 300 tuổi. Đây được đánh giá là cây sanh đầu bảng Việt Nam. Cây có nguồn gốc xuất xứ từ cung đình Huế xưa, trước đây nghệ nhân này đã phải chi hơn 10 tỷ đồng mới sở hữu được “siêu cây” giá trị này.
Minh Minh
Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 82