Suối nước nóng Ka lu nằm ở địa phận bản Ka Lu, xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị). Theo các nhà nghiên cứu, mỏ nước khoáng này có hàm lượng bi-carbonate và calci từ 300 - 400mg/lít, giúp tiêu hóa tốt, chống ợ chua. Bên cạnh đó, nước suối có chất metasilich với hàm lượng trên 50mg/lít, tác dụng tăng khả năng chống viêm nhiễm. Suối nước nóng Ka Lu cũng là một di chỉ khảo cổ quan trọng.
|
Nước nóng từ suối nước nóng Ka Lu được dẫn bằng máng tre thô mộc |
Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, người từng đến đây nghiên cứu, di chỉ này thuộc thời đại đồ đá cũ. Đặt trong thời điểm bản Ka Lu được đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, việc khai thác tiềm năng suối nước nóng Ka Lu là rất cần thiết.
Tuy nhiên hiện nay, công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy hiệu quả du lịch suối nước nóng Ka Lu vẫn chưa được thực sự chú trọng. Có mặt tại suối nước nóng Ka Lu, theo quan sát của chúng tôi, một số vị trí xuất hiện mạch nước nóng đã được khoanh vùng, có máng dẫn nước… song vẫn còn thô sơ, tính thẩm mỹ không cao. Bên cạnh đó, mùi lưu huỳnh trong nước vẫn còn mạnh. Đáng ngại hơn, một số người đến suối tắm rửa, chế biến thức ăn nhưng không giữ gìn vệ sinh chung, gây mất mỹ quan. Tại các điểm có máng dẫn nước, bao bì ni lông, áo quần cũ, lông gia cầm, lá cây rừng… xả ra rất bừa bãi.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Chạy, Chủ tịch UBND xã Đakrông cho biết, chính quyền địa phương rất trăn trở trước thực trạng trên. Lãnh đạo xã sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân và du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường suối nước nóng Ka Lu. Đồng thời, bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của cấp trên để đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình giúp suối nước nóng Ka Lu trở thành một điểm du lịch thực sự.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-bao-ve-suoi-nuoc-nong-ka-lu-a53384.html