Theo Công Luận, bà N.T.T. (77 tuổi, ngụ huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ kèm theo sốt.
Thông tin từ phía bệnh nhân, bà T. có tiền sử bệnh lý nền tăng huyết áp, hở van tim, thoái hóa cột sống thắt lưng. Trước đó khoảng 6 năm, bà T. có cắt túi mật và đặt stent (giá đỡ bằng nhựa) trong ống mật chủ.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bà T. bị tắc mật ngoài gan do nhiều sỏi ống mật chủ, nhiễm trùng đường mật do đặt stent bị bỏ quên trong ống mật chủ.
Các bác sĩ đã mất hơn 90 phút để mổ hở để lấy sạch sỏi, stent bị bỏ quên trong ống mật chủ, đồng thời, xử lý tình trạng nhiễm trùng. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bà T. đã dần trở nên ổn định hơn.
Báo Dân Trí dẫn lời bác sĩ Dương Hải Minh, người trực tiếp phẫu thuật cho bà T. cho biết, tình trạng của bà nếu không được chẩn đoán chính xác và xử trí kịp thời sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các bác sĩ, stent được chỉ định đặt khi bệnh nhân bị tắc nghẽn ở niệu quản hoặc thận. Stent giúp cho nước tiểu chảy từ thận xuống đến bàng quang ngay cả khi ống dẫn tiểu bị tắc nghẽn do bất kỳ nguyên nhân nào.
Bằng cách đặt stent, thận tiếp tục hoạt động và không bị tổn thương do tắc nghẽn, đồng thời tránh những cơn đau quặn dữ dội khi thận không được dẫn lưu tốt. Nguy cơ nhiễm trùng cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên stent thường không được lưu giữ quá 3 tháng trong cơ thể.
Thùy Dung(T/h)