Một phụ nữ người Bắc Kinh đã chăm sóc cho hơn 100 trẻ em mồ côi sau động đất bất chấp việc bà đang phải chiến đấu chống lại bệnh ung thư vú.
Dưới sự chăm sóc tỉ mỉ của bà He, nhiều đứa trẻ trong số này đã trở thành những thanh thiếu niên khỏe mạnh, những học sinh giỏi ở trường. Một số các em lớn tuổi đã thi được vào đại học, điều mà chúng thậm chí không dám nghĩ đến từ sau khi bị mất gia đình trong trận động đất.Trong tám năm qua, bà He Jiangping, 60 tuổi, đã hết lòng chăm sóc những trẻ mồ côi, đứa nhỏ nhất khi đến trại trẻ chỉ mới hai tuổi rưỡi.
Mọi việc bắt đầu khi bà He, một giáo viên có một con gái, được Quỹ hỗ trợ từ thiện Trung Quốc lựa chọn làm giám đốc dự án vào năm 2010. Hai tháng sau đó, một trận động đất lớn 6,9 độ richter đã xảy ra ở huyện Yushu, phía nam tỉnh Thanh Hải thuộc khu tự trị Tây Tạng.
Trận động đất này đã giết chết 2.698 người, chủ yếu là người dân tộc Tạng, để lại 102 trẻ mồ côi. Cùng với nhóm thiện nguyện của mình, bà He đã quyết định chăm sóc những đứa trẻ mồ côi đáng thương này, đứa nhỏ nhất chỉ mới hai tuổi rưỡi.
Sau khi được nhận số quỹ 5 triệu NDT (18 tỷ đồng), bà He đã hứa với nhóm từ thiện là sẽ chăm sóc các em cho đến khi đủ 18 tuổi. Bà thôi việc và bắt đầu dành toàn bộ thời gian để chăm sóc lũ trẻ.
Với sự giúp đỡ của cô đồng nghiệp và các tình nguyện viên, người phụ nữ mạnh mẽ này sắp xếp để vận chuyển các em từ Yushu đến Bắc Kinh, vượt qua quãng đường dài 2.478 km.
Chỉ riêng việc sắp xếp chỗ ở và xin đi học cho những đứa trẻ này ở Bắc Kinh cũng đã đủ khiến bà đau đầu. Bà từng phải quỳ xuống cầu xin các thầy giáo nhận lũ trẻ vào trường học bởi chúng không có hộ khẩu ở Bắc Kinh.
Sau trận động đất 6,6 độ richter ở Định Tây, tỉnh Cam Túc năm 2013, trung tâm của bà lại nhận thêm 7 em nhỏ mồ côi nữa nâng con số trẻ lên 109.
Theo bà He, việc sắp xếp nơi ăn chốn ở và lo liệu sinh hoạt cho lũ trẻ cũng chưa vất vả bằng việc giúp chúng vượt qua được những chấn thương về tâm, sinh lý sau thiên tai.
Tận mắt chứng kiến cha mẹ, người thân mất mạng trong những đống đổ nát sau động đất, những đứa trẻ bị ám ảnh và thường xuyên gặp ác mộng, rất dễ giật mình. Bà He đã phải liên hệ với các nhà tâm lý chuyên nghiệp để giúp các em vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tuy nhiên, vấn đề là số tiền tưởng như rất nhiều ban đầu đã nhanh chóng tiêu hết khi phải lo cho một "gia đình" lớn như vậy. Sau nhiều năm, một số trẻ đã lớn lên và rời trung tâm đi làm, đi học đại học, hiện chỉ còn 42 em, 19 gái và 23 trai.
Trong căn hộ thuê có 4 phòng ngủ, bà He cho biết mỗi năm trung tâm cần từ 1,3-1,5 triệu NDT để nuôi dạy những đứa trẻ. Toàn bộ chi phí đó có được từ các khoản đóng góp từ các công ty và cá nhân, chứ họ không nhận được bất kì khoản trợ cấp nào của chính phủ.
Bà He cũng liên tục tổ chức các chiến dịch gây quỹ cho trung tâm mặc dù sức khỏe của bà đang dần kém đi. Bà bị bệnh ung thư vú tái phát và đã phải trải qua 6 lần điều trị hóa chất.
Bà cho biết hiện đang tìm người đáng tin cậy để thay thế vai trò của mình, tiếp tục chăm sóc lũ trẻ. Cần thêm 9 năm nữa để tất cả các em trưởng thành và có thể sống độc lập.
Bà nói: "Tôi đang tìm kiếm một ai đó để đảm nhận vai trò của tôi, nhưng quả rất khó. Người đó vừa phải làm mẹ, biết cách giáo dục dạy dỗ trẻ em, vừa phải biết cách kêu gọi tài trợ. Có rất nhiều nhà hảo tâm sẽ giúp đỡ chúng tôi chăm sóc lũ trẻ."
Những đứa trẻ đang và đã trưởng thành dưới mái ấm của He thường gọi bà thân mật là "mẹ già", để tỏ lòng biết ơn công lao nuôi dưỡng gần một thập kỉ của bà.
Minh Minh (Theo Daily Mail)