(ĐSPL) - Người ta thường nói, khi chết, bạn sẽ nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy những trải nghiệm hoàn toàn khác nhau.
Câu chuyện của ông A
Theo tin tức trên BBC, vào năm 2011, ông A, 57 tuổi, nhân viên làm công tác xã hội đến từ Anh, đã được đưa vào bệnh viện đa khoa ở Southampton, sau khi ông bị ngã gục tại nơi làm việc. Khi các nhân viên y tế đang đưa một ống thông vào bệnh nhân này thì tim ông đã ngừng đập. Thiếu oxy, não của ông đã ngưng hoạt động ngay lập tức và ông A qua đời.
Mặc dù vậy, sau khi tỉnh lại, ông A vẫn nhớ về những gì đã xảy ra.
Một nhân viên y tế đã dùng máy sốc tim ngoài tự động (AED), một thiết bị được sử dụng để khởi động lại tim.
Ông A đã nghe thấy mệnh lệnh “Gây sốc cho bệnh nhân" vang lên hai lần. Khi đó, ông nhìn lên và thấy một người phụ nữ lạ mặt đang lơ lửng gần trần nhà và vẫy tay gọi ông lại gần. Ông liền đi về phía bà này, bỏ lại thân xác của mình phía sau.
"Tôi cảm giác như mình quen biết bà ấy và cảm thấy tôi có thể tin tưởng bà. Tôi cảm giác bà ta xuất hiện vì một lý do gì đó mà tôi không rõ", ông A nhớ lại.
"Một giây sau, tôi đã ở trên trần nhà, nhìn xuống xác của mình, y tá và một người đàn ông trọc đầu", ông A nói tiếp.
Hồ sơ bệnh viện sau đó xác nhận 2 mệnh lệnh sử dụng máy sốc tim AED bằng miệng mà ông A đã nghe thấy. Ngoài ra, những gì ông A diễn tả về hành động của mọi người trong phòng – những người mà ông chưa từng nhìn thấy trước khi bất tỉnh, cũng chính xác.
Ông được cho là đã kể lại những gì xảy ra ba phút sau khi ông ta bất tỉnh, mặc dù theo những gì chúng ta biết về sinh học, điều này là không thể xảy ra.
Câu chuyện của ông A được ghi lại trong tạp chí "Hồi tỉnh" là một trong những câu chuyện đã thách thức những hiểu biết lâu nay về trải nghiệm trước khi chết.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu cho rằng, mọi nhận thức đều kết thúc ngay khi trái tim ngừng đập và máu không còn được bơm lên não. Cơ thể con người vào lúc này được cho là đã chết, dù những nghiên cứu về khoa học gần đây đang giúp chúng ta hiểu rằng, điều này có thể bị đảo ngược.
Trong nhiều năm qua, những người tỉnh lại sau khi bị chết lâm sàng đã kể lại trải nghiệm của họ. Tuy nhiên, hầu hết các bác sỹ đều cho rằng, đây là ảo giác và các nhà nghiên cứu thường ngần ngại trong việc tìm hiểu sâu các trải nghiệm cận kề cái chết này vì cho rằng, điều đó vượt khỏi tầm với của khoa học.
Tuy nhiên, ông Sam Parnia, một bác sỹ kiêm trưởng khoa Hồi tỉnh tại Đại học Dược Stony Brook ở New York (Mỹ), cùng các đồng nghiệp đến từ 17 học viện khác ở Mỹ và Anh, muốn xóa bỏ những giả định lâu nay về những gì con người thấy hoặc không thấy khi đang hấp hối.
Nhóm này tin rằng, họ có thể thu thập những dữ liệu khoa học về giây phút cuối cùng của con người trước khi sang “thế giới bên kia”.
Trong suốt 4 năm, họ đã phân tích hơn 2.000 trường hợp có tim ngừng đập và được xác định chính thức đã chết. Trong số đó, các bác sỹ đã hồi tỉnh được cho 16\% trường hợp. Sau đó, Parnia và các đồng nghiệp của ông đã phỏng vấn 101 người.
"Mục đích của chúng tôi là tìm hiểu những gì người ta cảm thấy và nhìn thấy khi chết", Parnia nói. "Và sau đó, nếu họ nói rằng đã nghe hoặc nhìn thấy điều gì đó khi chết, chúng tôi sẽ tìm cách xác minh, liệu họ có thực sự nhận được thức được vào lúc đó hay không”, ông cho biết thêm.
Những cảm giác khi chết
Trên thực tế, ông A không phải là trường hợp duy nhất có thể nhớ về cái chết của mình. Gần 50\% những người được khảo sát đều nhớ đã thấy một điều gì đó.
Nhưng không giống như ông A và một người phụ nữ khác, những người khác lại trải nghiệm các sự kiện không liên quan đến cái chết của họ. Theo đó, họ nhìn thấy những ảo giác và những cảnh tượng như trong mơ.
“Hầu hết các sự kiện không trùng hợp với cái gọi là trải nghiệm khi chết”, Parnia cho biết.
Parnia và các đồng nghiệp đã phân những cảnh này thành 7 loại, bao gồm:
Những cảnh gây sợ hãi
Nhìn thấy động vật hoặc cây cối
Nhìn thấy ánh sáng
Cảnh bạo lực
Những cảnh quen thuộc nhưng không rõ là ở đâu
Nhìn thấy gia đình
Nhìn thấy các sự kiện xảy ra quanh mình sau khi tim ngừng đập
Những cảnh này được sắp xếp từ cảm giác sợ hãi đến vui vẻ. Có những người nói rằng, họ cảm thấy sợ hãi và thấy mình bị trừng phạt.
"Tôi đã trải qua một buổi lễ ... Và trong buổi lễ này, tôi đã bị thiêu sống", một bệnh nhân nhớ lại.
"Tôi nhìn thấy bốn người đàn ông khác và những ai từng nói dối phải chết... Tôi thấy những người nằm trong quan tài bị thiêu sống", một người được khảo sát nói.
Một người khác kể lại việc mình bị “lôi qua vùng nước sâu", trong khi một người khác nói "Tôi được báo rằng mình sắp chết và cách nhanh nhất để chết là nói từ ngắn nhất có thể nhớ được".
Trong khi đó, một số người khác lại trải qua cảm giác trái ngược hoàn toàn. 22\% số người được khảo sát cho biết, họ “cảm thấy thanh thản và dễ chịu".
Một số khác nói họ nhìn thấy nhiều cây cối hoặc “sư tử và những chú hổ”, trong khi có người cho biết họ nhìn thấy "một thứ ánh sáng tuyệt vời" hoặc thấy mình được đoàn tụ với gia đình.
Số khác thì nói họ chứng kiến những cảnh quen thuộc: "Tôi cảm giác như tôi biết người ta sắp làm gì trước khi họ làm điều đó".
Mặc dù "con người ta rõ ràng là có những trải nghiệm nhất định vào thời điểm chết", Parnia nói, nhưng cách họ diễn giải những trải nghiệm đó còn phụ thuộc vào tiểu sử và niềm tin của từng người.
Những bệnh nhân từ Ấn Độ có thể quay về từ cõi chết và nói họ đã nhìn thấy Thần Krishna, trong khi những người từ Mỹ có thể cũng có cùng trải nghiệm, nhưng lại nói rằng họ đã nhìn thấy Chúa.
"Nhưng có ai trong chúng ta biết Chúa hình dáng ra sao?. Tất cả những điều này, tất cả những quan niệm về linh hồn, về thiên đường và địa ngục - tôi thật sự không biết lý giải chúng ra sao. Có hàng nghìn cách để lý giải về chúng, tùy thuộc nơi bạn sinh ra và lớn lên", ông nói thêm.
"Theo tôi, điều quan trọng là chúng ta cần đưa những vấn đề này ra khỏi giới hạn về tâm linh, và nghiên cứu chúng một cách khách quan", Parnia cho biết.
Parnia và những đồng nghiệp của ông đã lên kế hoạch cho những nghiên cứu tiếp theo để trả lời những câu hỏi này. Theo họ, cái chết nên được coi là một đối tượng khoa học để nghiên cứu.
“Chúng tôi có phương tiện và công nghệ. Hiện giờ chỉ còn là vấn đề về thời gian”, Parnia nói.
Bài viết được đăng trên trang BBC Future ngày 3/3/2015.