(ĐSPL) – Thông tư mới về quy định không được đặt tên doanh nghiệp trùng với tên doanh nhân mới được ban hành đang gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. PV Đời sống & Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tô Văn Động.
Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, từ ngày 25/11/2014 doanh nhân sẽ không thể đặt tên công ty theo tên danh nhân trừ trường hợp chủ doanh nghiệp có họ và tên ghi trong giấy khai sinh trùng với tên danh nhân.
Doanh nghiệp do nhiều tổ chức, cá nhân sáng lập dự định đặt tên bằng cách sử dụng tên riêng của một trong số những người sáng lập nhưng trùng với tên của danh nhân cũng không được phép, trừ khi họ và tên ghi trong giấy khai sinh trùng của một trong số người này với tên danh nhân.
Trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, mình hoàn toàn đồng ý với quy định trong thông tư trên. Thực tế, các doanh nghiệp Việt hiện đang đặt tên khá lộn xộn và có quy định “siết” là hợp lý.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long trả lời trên Bizlive, việc đặt tên doanh nghiệp hiện nay chưa phản ánh được đặc thù sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vì vậy việc quy định là cần thiết: "Cách đặt tên doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp dùng tên danh nhân chứng tỏ là người không biết kinh doanh, tên doanh nghiệp sẽ không gây ấn tượng và đặc trưng ngành nghề của doanh nghiệp. Tên danh nhân chỉ nên đặt tên trường học, cơ sở văn hóa",
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trả lời trên Người lao động cho biết ông chưa từng thấy có nước nào quy định cấm như vậy: “Chưa rõ cơ sở luật pháp nào quy định việc này. Pháp luật cho phép được làm những việc mà pháp luật không cấm. Vậy thì việc đặt tên doanh nghiệp theo tên doanh nhân không có lý gì để cấm, nhất là khi có những doanh nghiệp thực sự muốn đặt tên theo danh nhân để tỏ lòng ngưỡng mộ, noi theo”