+Aa-
    Zalo

    Cảm động cha nghèo tám năm cõng ước mơ cho con bại liệt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Cháu học đến đâu tôi sẽ theo đến đó”. Nó lên cấp 3, thậm chí đại học, tôi cũng sẽ cõng lên giảng đường. Chỉ cần cháu học hành thành tài, có công ăn việc làm.

    (ĐSPL) - "Cháu học đến đâu tôi sẽ theo đến đó”. Nó lên cấp 3, thậm chí đại học, tôi cũng sẽ cõng lên giảng đường. Chỉ cần cháu học hành thành tài, có công ăn việc làm ổn định, tự nuôi sống được bản thân thì tôi đã mãn nguyện lắm rồi". Đó là lời tâm sự của người cha suốt tám năm cõng con đến trường tìm con chữ.

    Nghị lực của cậu bé tật nguyền

    Chiều tháng 11, trời mưa như trút nước, ông Lương Bá Huynh (49 tuổi, ngụ xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) lặng lẽ cõng con trai đến trường THCS Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa) học tập.

    Ở phía sau lưng ông, cậu bé Lương Bá Hiệp (15 tuổi) vòng hai cánh tay co quắp ra phía trước ngực cha, hai chân buông thõng, teo tóp.

    Hôm ấy, là ngày Hiệp thi nên sau khi đặt con xuống ghế, ông Huynh lặng lẽ ra hành lang nán lại, đợi cõng con về. Dường như chưa yên tâm lắm, lâu lâu ông ngoái lại nhìn con với một thoáng lo âu...

    Khi chúng tôi hỏi chuyện về em Hiệp, ông Huynh không giấu được nước mắt: "Đến tận bây giờ, vợ chồng tôi vẫn không thể lý giải tại sao đứa con trai thứ ba của mình lại mang số phận không may mắn như thế.

    Hai đứa con đầu của vợ chồng tôi vẫn mạnh khỏe, bình thường. Năm 2002, sinh cháu Hiệp nhưng vừa mới lọt lòng mẹ, tứ chi đã dị dạng". Thương con, vợ chồng ông Huynh bán lúa non và vay mượn tiền người thân lặn lội đưa con vào TP.HCM chữa trị.

    Nhưng sau khi kiểm tra, các bác sỹ kết luận Hiệp bị liệt bẩm sinh, không thể đi lại được. Không chấp nhận kết quả của bác sỹ, năm 2003 vợ chồng ông Huynh lại dồn tiền bạc đưa con ra Hà Nội để khám và chữa trị. Một lần nữa, các bác sỹ ở đây vẫn lắc đầu.

    Với quyết tâm không mệt mỏi, năm 2007 vợ chồng ông Huynh bán hết ba con bò, đưa con ra Huế, nhưng lần này kết quả vẫn không khả quan hơn.

    Năm 2008, ông Huynh tình cờ xem ti vi nghe thông tin các bác sỹ chỉnh hình ở Mỹ đến Đà Nẵng khám và chữa trị miễn phí cho các trẻ em khuyết tật.

    Bảy năm Hiệp đến trường, cũng là chừng ấy năm ông Huynh cùng con đến lớp. (Ảnh: VNExpress)

    Ông Huynh bỏ hết việc đồng áng, khăn gói đưa con ra Đà Nẵng ở mấy tháng liền để chữa trị, nhưng các bác sỹ vẫn "bó tay". "Nhìn cháu nó ngồi một chỗ nhìn bạn bè cùng trang lứa vui đùa chạy nhảy, thấy mà thương. Nhưng, số con mình kém may mắn nên đành cắn môi, nuốt ngược nước mắt vào lòng", ông Huynh chia sẻ.

    Điều an ủi lớn nhất đối với họ là cậu bé Hiệp dù không thể đi lại được, nhưng bù lại em được ông trời ban tặng cho vầng trán cao, thông minh, đôi mắt sáng long lanh lạ thường.

    Lên 6 tuổi, thấy bạn bè trong làng tung tăng cắp sách đến trường, Hiệp nằng nặc đòi ba mẹ cho đi học. 6 tuổi, Hiệp còn chưa thể cầm đũa để ăn cơm, mọi sinh hoạt phải nhờ vào ba mẹ, nên vợ chồng ông Huynh không dám nghĩ đến chuyện đưa con đến trường.

    Những ngày dài sau đó, vợ chồng ông Huynh nhìn thấy đứa con tật nguyền cố tập cầm chiếc bút chì, vẽ những nét nguệch ngoạc vào tờ giấy nháp bỏ đi của chị gái rồi dán lên tường nhà mà đau lòng.

    Vậy là vợ chồng ông đành gật đầu chiều ý con. Để thực hiện ước mơ, Hiệp phải tập ngồi, cầm nắm đồ vật bằng đôi tay co quắp... trong suốt một năm.

    Bảy tuổi, bạn bè học lớp 1 thì cậu bé Hiệp mới đi mẫu giáo. "Con mình tự ăn còn không được ai mà dám nghĩ một ngày nó sẽ đi học. Thương con, vợ chồng tôi chỉ nghĩ đó là sở thích tức thời của con, chỉ cần học vài ba hôm sẽ chán đòi nghỉ thôi nên chiều theo. Ai ngờ...”, ông Huynh bỏ dở câu nói lẫn lộn buồn vui.

    Không phụ sự tin tưởng và công lao của ba mẹ, từ một cậu bé không thể cầm bút viết chữ, bây giờ Hiệp đã là học sinh lớp 7.

    Nhìn dãy bằng khen treo trên tường, chúng tôi hiểu được phần nào những cố gắng của em. Khi được hỏi về ước mơ của mình, Hiệp cười nói:

     "Lúc nhỏ, em không dám ước mơ gì chỉ mong đi học là được nhưng bây giờ em muốn sau này sẽ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. Làm công việc này, em không cần phải di chuyển nhiều, lại làm ra được tiền để giúp đỡ ba mẹ".

    Cõng ước mơ cho con bất kể nắng mưa

    Bảy năm Hiệp đến trường, cũng là chừng ấy năm ông Huynh cùng con đến lớp. Bất kể nắng hay mưa, người ta vẫn nhìn thấy người cha với thân hình nhỏ bé cõng cậu con trai tật nguyền tới trường.

    Ông Huynh cười nói: "Nhiều người trong làng nói vui là tôi đi học cùng con, người thì nói là anh nông dân đi học để thành kỹ sư".

    Năm Hiệp học mẫu giáo, hằng ngày từ 6h sáng, ông Huynh cõng con trên lưng đi bộ hơn 2km để đến trường, 10h30’, ông lại đón con về.

    Hiệp học lớp 1, lớp 2 phải đi học thêm buổi chiều, mỗi ngày ông phải đưa con đi về bốn lượt. Những hôm trời nắng thì mồ hôi nhễ nhại, mưa thì cực hơn phải lội nước đến đầu gối để đưa con đến trường.

    Đường trơn, nhiều khi trượt chân, hai cha con ướt hết quần áo, ông lại phải cõng con về nhà thay quần rồi vội vã đưa con đi cho kịp giờ học.

     Đưa mắt nhìn cậu con trai đang cặm cụi làm bài thi trong phòng, ông Huynh bộc bạch: "Cơ thể cháu nó không lành lặn đã là thiệt thòi so với bạn bè, tôi không muốn cháu nó phải thua thiệt với bạn bè về tri thức, đây là quyền mà cháu đáng được hưởng. Vất vả mấy tôi cũng chịu, chỉ cần cháu nó học giỏi là được. Tôi bây giờ cũng như học sinh vậy, thứ Bảy, Chủ nhật được nghỉ, học sinh nghỉ hè, tôi cũng nghỉ hè".

    Trời nắng, hay mưa bất kể khó khăn gì cũng không phải là trở ngại trên con đường ông Huynh cõng con đi tìm chữ.

    Trong thời khóa biểu của Hiệp có thêm môn tin học, mỗi lần học lại phải chuyển sang phòng máy tính. Do vậy hôm nào em có giờ tin, ông Huynh lại đứng chờ con đến giờ học để cõng con đến phòng máy, rồi lại đứng ngoài cửa đợi con học xong để cõng con quay lại lớp.

    Thầy giáo dạy tin nhiều lần nói sẽ cõng em Hiệp đến lớp giúp ông Huynh, nhưng vì thương con, lo lắng cho con nên ông muốn tự mình làm tất cả.

    Nói về tương lai phía trước, ông Huynh khẳng định: “Cháu nó học đến đâu tôi sẽ theo đến đó. Nó lên cấp ba tôi cũng sẽ cõng đi. Nó lên đại học tôi cũng sẽ theo mà cõng con lên giảng đường. Chỉ cần cháu nó học hành thành tài, có công ăn việc làm ổn định nuôi sống được bản thân thì tôi đã mãn nguyện lắm rồi".

     Trước kia, ông Huynh làm thợ hồ còn vợ ông làm thuê ở lò gạch, nhà lại có 4 sào lúa nên gia đình cũng đủ sống. Nhưng từ ngày ông Huynh nghỉ làm để cõng con đến trường, gia đình lâm vào cảnh khó khăn.

    Cuộc sống của 5 người chỉ biết trông chờ vào số tiền vợ ông đi làm thuê và 4 sào lúa. "Nhiều người cha, người mẹ phải năn nỉ con đi học, đằng này con mình muốn đi học, chẳng lẽ mình không cho nó đi? Con mình cơ thể không như người bình thường, nếu con mà thành tài thì cuộc sống sau này sẽ đỡ khổ.

    Vậy nên, vợ chồng tôi quyết hy sinh tất cả vì con cái", ông Huynh nói, giọng đầy quyết tâm.

    Quyết tâm vượt qua số phận

    Thầy Kiều Quang Nở, Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Thương cho biết, tuy cơ thể không được lành lặn như bao người bình thường nhưng điều đó không làm trở ngại con đường chinh phục tri thức của em Lương Bá Hiệp.

    Hiệp đã trở thành tấm gương sáng về lòng ham học, ý chí nghị lực vượt qua số phận, đáng để mọi người khâm phục. Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để em đến lớp như hỗ trợ sách vở, miễn giảm học phí...

    Dương Kha

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]Jr7AtK21PF[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-dong-cha-ngheo-tam-nam-cong-uoc-mo-cho-con-bai-liet-a120771.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.