(ĐSPL) -Chồng con mất sớm, sống một mình trên chiếc thuyền nhỏ bé, cũ nát ở sông Cầu Hạc, TP Thanh Hóa lại bị hành hạ bởi căn bệnh bướu cổ khiến cụ Nguyễn Thị Thủy (95 tuổi) chỉ còn biết ngồi chờ chết trong cô đơn. Ước nguyện cuối đời cụ là được chôn cất tử tế tại nghĩa trang Chợ Nhàng.
Trên con thuyền cũ kỹ, một bà lão tóc bạc phơ đang ngồi thổi lửa nấu cơm. Nghe có tiếng người gọi, cụ vén tấm mành làm bằng bao bì chắn trên mái thuyền ra ngó nghiêng. Mời chúng tôi vào, cụ lặng lẽ ngồi trần tình: "Có một mình tôi ở đây thôi, chồng con mất rồi".
|
Cụ Thủy sống một mình trên chiếc thuyền cũ nát |
Cả đời gắn bó trên chiếc thuyền này, mọi người bảo cụ đến Trung tâm bảo trợ xã hội nhưng cụ nhất quyết không đi. Cụ tâm sự: "Ở đây nó quen rồi, tôi không muốn đi đâu cả. Đến Trung tâm bảo trợ xã hội buồn lắm, cô đơn lắm". Cụ Thủy sống một mình rau cháo qua ngày khiến mọi người xung quanh không khỏi xót xa. Mọi sinh hoạt của cụ diễn ra trên chiếc thuyền rộng khoảng 10m và nhờ vào số tiền trợ cấp 180.000 đồng hàng tháng của Nhà nước.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, cơ thể gầy yếu, mắt mờ, chân chậm, lại thêm căn bệnh bướu cổ, khiến cụ gần như chỉ ngồi một chỗ. Cụ rơm rớm nước mắt: "Cuộc đời không may mắn với tôi, gia cảnh nghèo khó, chồng con ra đi sớm để lại một mình tôi với đời. Ngày còn khỏe, tôi đi cào hến kiếm ăn qua ngày, giờ già yếu chỉ biết ngồi một chỗ. Cổ đau, chân như liệt, mắt lại mờ, tôi không thể xuống thuyền được. Bà con sống ven sông thương tình cho tôi nắm gạo, mớ rau. Hôm nào không có tôi đành nhịn ăn. Đã thế căn bệnh bướu cổ còn hành hạ tôi suốt mấy chục năm trời”.
Nhìn quanh chiếc thuyền, chỗ bà ghé thân, không có gì quý giá hơn ngoài tấm bằng khen UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận "Bà Nguyễn Thị Thủy đã có thành tích tham gia trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước". Ánh mắt cụ chợt lóe sáng lên khi thấy chúng tôi nhắc đến tấm bằng khen: "Tôi và chồng đi làm dân công hỏa tuyến, đi chở gạo cho Nhà nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ".
|
Tài sản quý giá nhất của cụ Thủy |
Được biết, cụ quê ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), ngày nhỏ gia đình nghèo phải đi ở đợ kiếm sống, lớn lên lấy chồng làm nghề sông nước. Hai lần kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, gia đình cụ sống bằng nghề chở gạo cho Nhà nước. Cuộc đời sông nước kéo theo bao vất vả, hiểm nguy đã cướp đi con trai thứ hai của cụ khi bị đuối nước, con gái út và con trai đầu bị bệnh qua đời vì không có tiền chạy chữa. Thế rồi, cụ ông mắc bệnh phong ra đi, để lại bà cụ một mình trên chiếc thuyền cũ nát.
Trên sông Cầu Hạc, dân chài sống qua ngày bằng việc đi rửa chén, giặt quần áo thuê, làm việc nhà cho những hộ gia đình sống trên bờ. Ngồi một mình trên con thuyền nhưng cụ luôn lạc quan: "Tôi sống đến từng này tuổi nên ở đây là tốt lắm rồi. Nhờ ơn trời, tôi vẫn được sống để thấy sự đổi thay của khu này".
"Ước nguyện của tôi cuối đời này là được sống đến trăm tuổi và khi chết được chôn cất tử tế tại nghĩa trang Chợ Nhàng", cụ Thủy nghẹn ngào nói.
Bà Lê Thị Thảo, Xóm trưởng dân chài sông Cầu Hạc cho biết: "Cụ Thủy có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng con mất sớm, chỉ sống một mình. Thấy cụ khó khăn, bà con nơi đây thi thoảng cũng cho cụ bữa gạo, bó rau động viên cụ sống vui vẻ".
Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về:
- Cụ Nguyễn Thị Thủy Xóm dân chài sông Cầu Hạc, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. - Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010; Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống& Pháp luật tại Miền Trung. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-canh-cu-ba-don-than-tren-song-cau-hac-a71345.html