+Aa-
    Zalo

    “Cải tổ thời trang” ngành Y - Chiếc áo có tội tình gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Công cuộc “cải tổ thời trang” của ngành y liệu có làm thay đổi những định kiến mà dư luận lâu nay vẫn nghi ngại?

    (ĐSPL) - Công cuộc “cải tổ thời trang” của ngành y liệu có làm thay đổi những định kiến mà dư luận lâu nay vẫn nghi ngại?
    Mới đây, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thay đổi trang phục dự kiến sẽ theo hướng phân chia các màu sắc để phân biệt cho các vị trí công việc trong bệnh viện. Hiện tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện đều mặc màu trắng, khiến người bệnh và người nhà bệnh nhân rất khó phân biệt được đâu là bác sỹ và đâu là những vị trí khác.
    Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ phó Truyền thông - Thi đua khen thưởng, bộ Y tế, cho rằng việc thay đổi trang phục theo hướng phân biệt riêng các màu sắc cho từng vị trí sẽ tạo thuận tiện cho công việc, giúp người bệnh phân biệt được đâu là y tá, đâu là điều dưỡng, bác sỹ. Một số nước đã phân loại màu áo đồng phục để dễ nhận diện như bác sỹ phòng mổ mặc áo màu xanh lá cây hoặc xanh nước biển. Bác sỹ phòng khám là màu trắng, điều dưỡng màu hồng nhạt...

    Màu trắng của chiếc áo blouse đã trở thành biểu tượng cao quý của ngành Y.

    Năm 2004, bộ Y tế đã quy định về trang phục y tế. Theo đó, màu trắng dành cho trang phục của bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên; riêng khu vực phẫu thuật có màu xanh cổ vịt; khoa Cấp cứu có màu xanh dương và khoa Truyền nhiễm màu hồng.
    Tại các bệnh viện, trang phục của cán bộ y tế thường là màu trắng, để phân biệt chủ yếu căn cứ vào bảng tên. Người trong ngành có thể nhận diện được qua sự khác nhau của cổ áo, ve áo trên trang phục. Tuy nhiên, với người bệnh và người nhà bệnh nhân thì chỉ có cách nhìn vào biển chức danh đeo trên áo.
    Môi trường làm việc của ngành Y lúc nào cũng phải đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. Vậy nên, có lẽ màu trắng vẫn là sự lựa chọn tuyệt vời nhất. Bản thân màu trắng tượng trưng cho sự thánh thiện, trong sạch, tinh khiết, được xem là màu của sự hoàn hảo. Màu trắng cũng đại diện cho sự khởi đầu thành công và niềm hy vọng. Ý nghĩa của màu trắng hoàn toàn phù hợp với môi trường làm việc trong ngành Y, vì thế màu trắng là sự lựa chọn của hầu hết các bệnh viện lớn nhỏ trên khắp thế giới. Chiếc áo blouse trắng đã trở thành biểu tượng cao quý của ngành y? Liệu, nó có tội tình gì mà phải thay đổi?           
    Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khoá XIII: Trung tâm của sự thay đổi phải là bệnh nhân
    Theo tôi, việc thay đổi trang phục không quan trọng. Đây là việc làm mang tính chất rất tiểu tiết. Nếu ngành Y thấy cần thì có thể thay đổi nhưng tôi nghĩ không cần thiết. Các y, bác sỹ mặc màu nào cũng được nhưng thái độ và tinh thần phục vụ mới là điều quan trọng. Điều tôi quan tâm là bây giờ là chủ trương “lấy bệnh nhân làm trung tâm” của ngành Y. Đây mới là vấn đề chính các bệnh viện cần quan tâm.

    ĐBQH Bùi Thị An.

    Tôi biết công việc của ngành Y rất căng thẳng nhưng nụ cười của các y bác sỹ là vô cùng giá trị đối với bệnh nhân. Vừa rồi, ngành y tế đã lấy khẩu hiệu “lấy bệnh nhân làm trung tâm” của mọi hoạt động. Tôi cho rằng, đây là chủ trương rất tốt và cần phát huy. Toàn thể nhân viên ngành Y cần cố gắng, để khi các đồng chí mặc bất cứ trang phục nào, thay đổi bất cứ điều gì người dân cũng ủng hộ và không còn soi mói.
    Theo tôi, các cán bộ ngành y tế chỉ cần mặc thế nào cho hợp vệ sinh và thẩm mỹ. Màu sắc cũng không nên quá chói chang, thiết kế không nên quá rườm rà, gò bó để phù hợp với các thao tác trong ngành Y. 
    TS. BS Lê Thị Thu Hà, trưởng khoa Hậu sản M, bệnh viện Từ Dũ: Blouse trắng nhắc nhở các bác sỹ giữ mình hơn
    Cách đây nhiều năm, bệnh viện Từ Dũ đã có sự phân biệt trang phục đối với các vị trí. Không kể đồ trong phòng mổ thì bác sỹ màu trắng, nữ hộ sinh màu trắng và các chị hộ lý màu xanh hoặc vàng rất nhạt. Cả nữ hộ sinh và bác sỹ trang phục đều màu trắng nhưng có cách may khác nhau ở cánh tay, cổ, cầu vai… Nhìn vào trang phục như vậy, bệnh nhân có thể phân biệt được người đó làm vị trí gì trong bệnh viện.
    Ngành Y từ bấy lâu nay đã coi màu trắng của chiếc áo blouse là biểu tượng. Màu của sự trong trắng, thanh khiết, màu toát lên y đức, làm cho người khoác tấm áo đó trở nên thánh thiện. Màu sắc cũng nói lên tính cách của con người, giống như học sinh cũng mặc áo trắng. Trang phục màu trắng khiến cho người ta cảm thấy sạch sẽ hơn và làm việc gì cũng giữ mình. Đối với tôi, màu trắng của ngành y là màu cao quý cho nên nếu bác sỹ mặc màu khác như xanh, vàng, đỏ… thì không hay lắm.

    TS. BS Lê Thị Thu Hà.

    Theo cảm nhận của tôi, bệnh nhân nhìn bác sỹ mặc đồ màu trắng thái độ của họ cũng khác. Cho nên màu trắng là một màu rất thiêng liêng. Còn giả sử áo bác sỹ màu trắng còn áo hộ sinh hoặc y tá màu xanh, hồng hoặc vàng thì cũng không hay. Tôi nghĩ là nên cùng một màu nhưng nhấn vào sự khác biệt ở các kiểu may. Điều này đã có sự phân biệt và bệnh nhân cũng nhận ra được. Không nhất thiết phải tạo ra khoảng cách xa giữa các nhân viên y tế với nhau khi nhấn vào màu sắc trang phục. Đối với sinh viên thực tập thì cũng nên quy định màu riêng để bệnh nhân đỡ nhầm lẫn.
    Điều quan trọng của các bệnh viện là làm sao để người bệnh thấy mình được quan tâm nhiều hơn. Như nơi tôi công tác, đang nêu cao tinh thần đặt bệnh nhân là trung tâm. Làm bất cứ việc gì cũng phải vì bệnh nhân. Thay đổi trang phục nhưng nếu không thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân thì bệnh nhân cũng không được lợi gì. 

    Xin hỏi sự phân biệt này có làm bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn không? Có còn cảnh hai, ba bệnh nhân nằm một giường không? Có hạn chế được tiêu cực không? Cái gì cần và thiết thực thì đổi trước, chưa cần đổi sau cho dân chúng tôi bớt khổ đi mấy bác.               

    NGỌC ÁNH 

    Thay đổi trang phục chẳng quan trọng. Điều quan trọng là y đức có được nâng lên hay không?

    HOÀNG VĂN DUY 

    Đã có biển công chức, viên chức rồi, cần gì phải yêu cầu cả những việc vụn ấy. Đề nghị Bộ trưởng bộ Y tế nghiên cứu sắp xếp lại cho hợp lý, hiệu quả, tiện lợi, chống lãng phí.

    NGỌC DIÊP 

    Quần áo trang phục có đổi đi chăng nữa thì liệu có làm bệnh nhân vui, an tâm điều trị trong khi thái độ, nhân cách của y bác sỹ, điều dưỡng vẫn như trước? Đành rằng, nghề y dược rất cực và áp lực, đè nặng thần kinh và chi phối rất nhiều, nhưng khi có mục tiêu định hướng làm nghề này thì phải chấp nhận. Chấp nhận cực khổ, áp lực để phục vụ cho bệnh nhân, cho nhân dân. Dường như các bạn điều dưỡng, y tá bây giờ chưa học qua chữ “nhẫn”? Gặp những ca khó, những bệnh nhân lớn tuổi khó tính đều tỏ thái độ cáu gắt khó chịu sao ấy nhỉ?

    NGÔ XUÂN DOANH – NAM ĐỊNH 

    Thay đổi chỉ tốn kém thêm mà trong khi đó bệnh nhân vẫn phải nằm hai người một giường. Hiện giờ ở nhiều bệnh viện, phòng mổ vẫn mặc màu xanh lá, hộ lý xanh dương, bác sỹ chỉ khoác áo blouse trắng, điều dưỡng mới mặc nguyên bộ đồ trắng còn sinh viên thi đã có cầu vai màu xanh để phân biệt rồi thay chi cho tốn kém khi phải bỏ tiền may đồng phục lại cho nhân viên.

    ĐẶNG XUÂN THẮNG

    HẠNH NGUYÊN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cai-to-thoi-trang-nganh-y---chiec-ao-co-toi-tinh-gi-a89983.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đề xuất sử dụng môn Văn để xét tuyển ngành Y

    Đề xuất sử dụng môn Văn để xét tuyển ngành Y

    (ĐSPL) – “Việc thi theo khối lâu nay khiến thí sinh học lệch. Môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói về đề xuất dùng môn Văn trong xét tuyển ngành Y.