Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) đã chính thức cấp bản quyền cho tác phẩm Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ của PGS-TS Bùi Hiền.
Ngày 29/12/2017, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chính thức kí và cấp bản quyền tác giả cho tác phẩm “Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ” của PGS.TS Bùi Hiền (Nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) về tác phẩm “Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ”.
Theo PGS Hiền, ông đã mất hơn hai tháng để chuẩn bị cho việc đăng ký này. “Việc làm này là để phòng tránh hành động xuyên tạc của một số người không đồng tình với công trình của tôi”, PGS cho hay.
Giấy chứng nhận đăng kí bản quyền tác giả. |
Cũng theo PGS Bùi Hiền, sau khi báo chí đưa tin về công trình nghiên cứu của ông, đã có không ít người sử dụng chữ của ông để viết xuyên tạc những câu thơ trong tác phẩm "Truyện Kiều" nhưng lại viết sai.
"Tôi đăng ký bản quyền không phải vì sợ người khác xâm phạm nghiên cứu của mình. Tôi hoan nghênh mọi người sử dụng chữ viết mới trong cuộc sống hoặc nhằm nghiên cứu khoa học. Tôi làm vậy chỉ để ngăn chặn những trường hợp sử dụng chữ cải tiến của mình với mục đích xấu”, PGS Bùi Hiền nói.
Ngày 12/1, PGS-TS Bùi Hiền cũng hoàn thiện việc dịch tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du từ chữ quốc ngữ sang chữ cải tiến.
Do sợ người đọc bỡ ngỡ với cách viết mới nên ông cẩn thận để cả phần chữ quốc ngữ đang được sử dụng và chữ cải tiến trong cùng một trang giấy.
Ông làm công việc này trong khoảng 10 ngày. Toàn bộ tác phẩm “Truyện Kiều” được chuyển thành “Cuyện Kiều” với tên tác giả cũng được “dịch” thành “Wuyễn Zu”, đã được ông in để tặng cho bạn bè thân thiết.
Ông khẳng định chữ viết mới của mình vẫn truyền tải chính xác nội dung "Truyện Kiều", không phá vỡ giá trị tư tưởng thẩm mỹ của truyện. Việc ông chuyển đổi tác phẩm văn học này chỉ là do đam mê và sở thích cá nhân, chứ không có ý ép mọi người phải dùng chữ cải tiến.
Hoàng Hà (T/h)