+Aa-
    Zalo

    Cái bắt tay hờ hững của hai “ông lớn” khiến kinh tế thế giới nóng lạnh bất thường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - PV báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng, viện Nghiên cứu Chiến lược, học viện Ngoại giao Việt Nam về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

    Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ-Trung Quốc không chỉ khiến Mỹ và Trung Quốc thiệt hại mà còn tác động đến cả thế giới. Để làm rõ hơn vấn đề này, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng, viện Nghiên cứu Chiến lược, học viện Ngoại giao Việt Nam.

    Chiến tranh thương mại Mỹ Trung gây ảnh hưởng đến nên kinh tế thế giới.

    Có bình luận cho rằng nguồn gốc sâu xa của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay chính là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa 2 siêu cường. Ông nhận định sao về vấn đề này?

    Sự kiện nổi bật năm 2018 là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Đây là một trong những sự kiện có tính tác động trên phạm vi toàn cầu. Cuộc chiến thương mại này có nguồn gốc sâu xa là từ cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung nhưng bước vào giai đoạn mới. Đặc biệt là từ khi ông Trump lên thì điều chỉnh chính sách của Mỹ tác động mạnh đến quan hệ Mỹ-Trung và đến quan hệ quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Và việc bùng phát chiến tranh thương mại là điểm mấu chốt, nó phản ánh hai bên đã đến điểm không thể kiểm soát được nữa.

    Cạnh tranh chiến lược là gốc rễ dẫn đến cuộc chiến thương mại giữa 2 siêu cường này. Tuy nhiên, đằng sau đó là câu chuyện về công nghệ, câu chuyện về cạnh tranh chiến lược. Mỹ muốn tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua việc ngăn chặn chuyển giao công nghệ và những vấn đề mà Mỹ cho là bất bình đẳng trong thương mại, bị đối xử không công bằng, vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ, vấn đề trợ cấp của Nhà nước cho các doanh nghiệp...

    Diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại này đã đi được hơn 4 tháng. Qua 3 vòng áp thuế và các vòng đàm phán, gần đây nhất là cuộc gặp cấp cao giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump bên lề G20 ở Argentina thì hai bên đã đi vào đàm phán để hướng đến thoả hiệp mà hai bên có thể chấp nhận được. Hiện nay đàm phán đang diễn ra và kéo dài đến 1/3/2019 thì mới có khả năng kết thúc.

    Chiến tranh thương mại giữa 2 cường quốc Trung Quốc và Mỹ có thể tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu. Ông có thể cho biết cụ thể hệ luỵ của cuộc chiến tranh thương mại này?

    Hệ lụy của cuộc chiến thương mại vô cùng sâu rộng. Về kinh tế, cuộc chiến thương mại đang tạo ra sự chuyển dịch về sản xuất, dịch chuyển về đầu tư, dịch chuyển về thương mại trên phạm vi toàn cầu. Cụ thể, để tránh thuế, nhiều công ty, nhà máy sẽ phải dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Và khi rút khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp phải tìm đến địa điểm thay thế. Trong đầu tư cũng chứng kiến sự dịch chuyển. Khi Mỹ siết đầu tư của Trung Quốc lại, Trung Quốc không đầu tư được vào Mỹ nữa thì họ phải chuyển sang các nước khác.

    Ngoài ra, cuộc chiến thương mại này cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại tệ, chứng khoán.

    Với Việt Nam, cuộc chiến thương mại có thể ảnh hưởng trên nhiều phương diện. Nếu cuộc chiến này kéo dài, kinh tế thế giới đi xuống thì kinh tế Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ sụt giảm. Bởi lẽ, khi nền kinh tế thế giới đi xuống thì kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng theo.

    TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng, viện Nghiên cứu Chiến lược, học viện Ngoại giao Việt Nam.

    Việt Nam cũng có thể trở thành đối tượng bị ảnh hưởng bởi việc đánh thuế mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mang lại. Hàng hoá Mỹ không bán được sang Trung Quốc thì có thể sẽ dịch chuyển sang Việt Nam và khi hàng hóa Trung Quốc không bán được sang Mỹ thì cũng có thể được bán sang Việt Nam. Sức cạnh tranh do đó tăng lên.

    Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại cũng có thể mang đến những tích cực. Hàng hoá Trung Quốc, Mỹ khi sang Việt Nam nhiều hơn sẽ giúp người Việt có nhiều sự lựa chọn hơn, hoặc được bán rẻ hơn. Và quá trình dịch chuyển sản xuất có thể giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, thu hút đầu tư.

    Cuộc chiến thương mại có tác động tích cực lẫn tiêu cực. Vậy nên Việt Nam cần thận trọng tránh bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nói riêng và chiến lược Mỹ-Trung nói chung.

    Có người cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung phản ánh sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn?

    Xin ông cho biết nhận định của ông về vấn đề này? Sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ đã bước vào giai đoạn then chốt. Không chỉ có điều chỉnh chiến lược với Trung Quốc, Mỹ cũng đã đạt được những bước đầu trong việc đàm phán lại hiệp định với Hàn Quốc, đạt được kết quả hiệp định thay thế Hiệp định NAFTA, khởi động đàm phán lại với Nhật và liên minh châu Âu. Ngoài ra, Mỹ cũng quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran.

    Năm 2018, việc điều chỉnh chính sách của ông Trump bước vào giai đoạn cao trào. Từ năm ngoái đến năm nay, Mỹ đã rút khỏi rất nhiều các hiệp định như rút khỏi Hiệp định TPP, Hiệp định NAFTA, phá hiệp định với Hàn Quốc, rút khỏi hiệp ước biến đổi khí hậu, rút khỏi Hiệp ước Tên lửa hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF)... Sang năm dường như chính quyền ông Trump không còn gì để rút nữa mà sẽ bắt đầu đàm phán lại để xây dựng lại một cơ cấu mới.

    Trên thực tế một trong những đặc trưng trong chiến lược năm 2018 của các nước lớn là đập đi xây lại rất nhiều các cơ chế, các nguyên tắc, chuẩn mực được hình thành từ nhiều năm qua, nhất là từ sau chiến tranh lạnh đến nay. Năm 2018 là đỉnh điểm của việc phá bỏ nên có thể nói năm 2019 các nước không còn nhiều điều để người ta tính đến chuyện xoá bỏ hay rút đi nữa. Thay vào đó, các nước lớn sẽ tập trung vào việc xây lại.

    Xin cảm ơn ông!

    Diễn biến tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

    - 20/4/2017: Tổng thống Mỹ yêu cầu điều tra nhằm xác định liệu thép do Trung Quốc và các nước khác sản xuất có đe dọa an ninh quốc gia Mỹ hay không?

    - 14/8/2017: Một cuộc điều tra khác được khởi động, xem Trung Quốc có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các công ty Mỹ hay không. Mỹ ước tính, thiệt hại có thể lên tới 225

    - 600 tỷ USD/năm. Trung Quốc chỉ trích động thái này sẽ đầu độc quan hệ hai nước.

    - 22/1/2018: Mỹ thông báo đánh thuế 30% đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu, 20% đối với máy giặt nhập khẩu, phần lớn từ Trung Quốc. Trung Quốc phản ứng bằng những tuyên bố chỉ trích.

    - 8/3/2018: Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu. Đến lúc này, Trung Quốc, nhà xuất khẩu thép lớn nhất thế giới có hành động phản pháo đầu tiên.

    - 2/4/2018: Bộ Thương mại Trung Quốc áp thuế nhập khẩu mới đối với 128 sản phẩm của Mỹ. Theo đó, 120 mặt hàng nhập khẩu trong đó có trái cây sẽ chịu mức thuế 15%, trong khi 8 sản phẩm còn lại, trong đó có thịt lợn, sẽ là 25%.

    - 3/4/2018: Mỹ công bố danh sách 1.300 mặt hàng Trung Quốc bị áp mức thuế mới 25% trong gói trừng phạt trị giá 50 tỷ USD. - 4/4/2018: Trung Quốc đáp trả bằng việc công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế 25%.

    - 17/9/2018: Mỹ quyết định áp thuế quan bổ sung 10% lên các mặt hàng Trung Quốc có tổng kim ngạch nhập khẩu 200 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm.

    - 18/9/2018: Trung Quốc đã bổ sung 60 tỷ USD áp thuế nhập khẩu hàng Mỹ.

    - 1/12/2018: Tổng thống Trump đã nhất trí rằng vào ngày 1/1/2019, ông sẽ giữ mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa (của Trung Quốc) ở mức 10% và sẽ không tăng lên 25% ở thời điểm này.

    Thu Hương

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cai-bat-tay-ho-hung-cua-hai-ong-lon-khien-kinh-te-the-gioi-nong-lanh-bat-thuong-a260934.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan