(ĐSPL) - Nếu bạn tiêu xài hoang phí vô độ sẽ rất dễ dẫn đến nợ nần chồng chất. Dưới đây là những cách giúp bạn tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân của mình.
Tiết kiệm ngay khi có lương
Đây là nguyên tắc chung và quan trọng nhất bởi bạn vốn là người khó kiềm chế trong chi tiêu, bạn cần chặn từ trong trứng nước mọi ý định rút tiền, mở ví để mua sắm.
Mỗi tháng, bạn cần trích một khoản tiền, dù là rất nhỏ, ngay khi lương hoặc thu nhập của bạn đổ về tài khoản. Những lần đầu tiên, bạn chỉ cần để dành 5-7\% tổng thu nhập rồi dần dần tăng lên 10\%. Sau 6 tháng hoặc một năm, khi thấy khoản tiết kiệm nhiều hơn, bạn sẽ có động lực lớn để dành dụm tiếp. Khi đó, hãy tăng phần tiết kiệm lên 15-20\%.
[mecloud]s2p1VVGFYS[/mecloud]
Nhờ người thân giữ tiền
Nếu không tự quản lý được tài chính, bạn có thể nhờ người thân giúp đỡ thời gian đầu.
Một khi nắm được nguyên tắc trên, bạn còn phải tìm chỗ hợp lý để những khoản tiết kiệm ấy được bảo toàn. Người tiêu hoang thường có kỷ luật chi tiêu không tốt hoặc thậm chí là kém. Vì thế sẽ rất khó để họ chủ động tiết kiệm tiền. Nếu chẳng may là một người như vậy, bạn có thể tìm một người thân đáng tin cậy nhất để gửi gắm. Hàng tháng, ngay khi có lương, hãy gửi người đó một khoản tiền nhỏ. Sau khoảng 3 hoặc 6 tháng, tập hợp số tiền đó lại để mở một cuốn số tiết kiệm.
Dù cách gửi tiền truyền thống này có thể tiềm ẩn rủi ro (vì tiền được gửi cho người thứ hai) nhưng hãy tạm gác mối lo này lại vì số tiền tiết kiệm hàng tháng của bạn khá nhỏ. Quan trọng là bạn sẽ có cơ hội học được cách để dành trong trường hợp này.
Nếu không tự quản lý được tài chính, bạn có thể nhờ người thân giúp đỡ thời gian đầu. |
Gửi tiết kiệm online
Đây là cách rất nhiều người đang sử dụng để tách biệt "đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối" trong chi tiêu. Hiện hầu hết các ngân hàng đều cho phép bạn gửi tiết kiệm online một cách dễ dàng, số tiền nhỏ nhất có thể là 500.000 đồng, kỳ hạn ngắn nhất là một tuần. Sau khoảng vài tháng, bạn hãy tất toán các sổ tiết kiệm điện tử này để gom về một chỗ, vừa dễ quản lý lại "ra tấm ra món".
Tương tự, nhiều nhà băng hiện có sản phẩm tiết kiệm gửi góp, cho phép khách hàng mở sổ tiết kiệm số tiền nhỏ và hàng tháng gửi góp thêm vào đó.
Nhìn chung với cả hai cách này, lãi suất sẽ không cao như thông thường. Tuy nhiên, hãy tạm gác vấn đề lãi suất sang một bên bởi với người tiêu hoang, mục tiêu chính là hạn chế khoản tiền khả dụng trong tháng để số lần mở ví giảm đi. Đồng thời, sau một thời gian bạn có thể tích lũy được một khoản tiền kha khá.
Tiết kiệm bằng những khoản thu nhập phát sinh
Nếu bạn không thể giảm được tần suất và mức độ chi tiêu trong tháng, nguyên tắc này có thể giúp bạn có "của để dành". Ví dụ, trong tuần bạn được sếp thưởng "nóng" một khoản hoặc công ty trích tiền hoa hồng sau thương vụ làm ăn gần đây..., hãy cất riêng phần thu nhập này và gửi tiết kiệm. Cố gắng nhắc nhở bản thân rằng những tháng không có thêm khoản thu nhập này bạn vẫn sống ổn và chi tiêu tốt.
Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng cho những người có thu nhập tháng không cố định.
Tiết kiệm bằng những khoản thu nhập phát sinh. |
Thành thạo nguyên tắc 10 giây
Nếu bạn đang muốn hạn chế thâm hụt túi tiền cho những khoản chi không cần thiết thì đây là một phương án tuyệt vời. Ở cửa hiệu, khi bạn chọn một món hàng hãy nắm giữ trong 10 giây. Lúc đó, hãy tự hỏi bản thân là nó có thật sự cần thiết và khoản tiền chi ra có hợp lý không? Hầu hết các bạn sẽ đặt món hàng ấy trở lên kệ rồi tự hào bước đi vì mình đã không phí phạm vào những thứ vô ích.
Nắm vững nguyên tắc 30 ngày
Sẽ thật hữu ích nếu dùng phương pháp tương tự đối với những món hàng lớn hơn.
Mỗi khi bạn chọn một món hàng đắt đỏ nhưng chưa cần dùng tới ngay và vẫn quyết định mua dù đã sử dụng nguyên tắc 10 giây thì hãy đặt món hàng trở lại kệ và đợi đến 30 ngày. Nếu bạn còn nhớ và vẫn muốn món hàng đó sau 30 ngày thì hãy trở lại mua. Hầu hết những việc mua sắm như vậy sẽ thoáng qua trong tâm trí bạn trước đó khá lâu. Phương kế này sẽ kiềm bạn lại trước sức hấp dẫn của những món hàng đắt tiền để bạn không vượt qua rào cản 10 giây.
Theo dõi sự tiến bộ của bạn
Mỗi tháng hãy tính toán và ghi chép lại bạn đã kiếm được bao nhiêu, chi xài bao nhiêu và dành dụm được bao nhiêu. Hãy cố gắng để tháng sau cũng đạt kết quả như vậy. Trong thực tế thì đây là cách đơn giản nhất để quản lí tài chính. Bạn chỉ cần cố gắng kiểm soát chi tiêu tháng này qua tháng nọ và tự nhận ra tự tiến bộ liên tục của mình. Nếu bạn tiết kiệm một chút, ví dụ như là mỗi tháng bạn để dành được 500.000 đồng thì trong vòng 6 tháng bạn sẽ tích lũy được 3 triệu. Hãy kiên nhẫn để tích tiểu thành đại.
Ngọc Anh(Tổng hợp)