Chỉ cần cài đặt ứng dụng này trên điện thoại thông minh, các khách hàng của Gucci, Chanel, Hermès hay Louis Vuitton sẽ không còn nỗi lo mua phải hàng fake.
Trong thế giới hiện tại, các nhà thiết kế, hãng thời trang luôn bị lép vế trước thị trường hàng giả, hàng nhái. Tất cả các sản phẩm dù chưa được lên kệ nhưng thông tin rò rỉ của chúng đã ngay lập tức được những người chuyên làm hàng giả thu thập và cho ra lò các sản phẩm giống tới 99% hàng thật.
Để chống lại nạn hàng giả, hàng nhái, một startup tại New York đã phát minh ra ứng dụng giúp người dùng có thể phát hiện túi xách hàng hiệu là thật hay giả chỉ nhờ cài đặt trên điện thoại thông minh.
Túi xách hàng nhái khó có thể qua mắt ứng dụng này. |
Ứng dụng này có khả năng phát hiện sự khác biệt giữa túi xách giả và thật của các nhãn hiệu đắt đỏ bậc nhất thế giới như Gucci, Chanel, Hermès và Louis Vuitton.
CEO cũng là nhà đồng sáng lập Entrok, ông Vidyuth Srinivasan cho biết: “Chưa từng ai làm điều này. Do đó, chúng tôi phải liệt kê tất cả các chi tiết cực kỳ nhỏ để tìm ra sự khác biệt”.
Srinivasan cùng đồng nghiệp đã có 2 năm liên tục thu thập dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới, mua hàng xa xỉ tại các cửa hàng bán lẻ, thăm dò ý kiến từ bạn bè và những người thường xuyên sử dụng hàng hiệu.
“Nó hoạt động như một kính hiển vi kết hợp kính thực tế ảo tăng cường. Chúng tôi có hàng chục triệu hình ảnh siêu nhỏ, liệt kê và cập nhật vào ứng dụng. Phần mềm này sẽ tìm ra sự khác nhau rồi đưa ra kết luận”, Srinivasan chia sẻ về ứng dụng.
Hiện, ứng dụng có tên Entrok này đưa ra kết quả chính xác cho túi xách tới 98,5%. Tỷ lệ này là 80% với đồng hồ Rolex. Tuy nhiên, các nhà sáng lập đang tìm cách nâng cao hơn tỷ lệ này.
Srinivasan cho biết, hiện Entrok đã nhận được sự ủng hộ của nhiều khách hàng, chủ yếu là những người chuyên bán hàng trực tuyến.
“Chúng tôi thu thập hàng triệu hình ảnh cho mỗi sản phẩm. Vì vậy, máy tính có nhiều dữ liệu phân tích hơn là những gì người làm hàng giả tiếp cận được. Ngay cả khi họ kết hợp với việc sử dụng phần mềm của chúng tôi. Nếu bạn không phải là nhà sản xuất, không phân biệt được hàng giả, hãy sử dụng phần mềm này”.
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, năm 2016, hàng giả và hàng lậu chiếm 2,5%, tương đương 461 tỷ đô la Mỹ. Ứng dụng này được kỳ vọng giúp khách hàng mua được sản phẩm đúng giá trị.
Minh Thư (Theo Reuters)