(ĐSPL)-Do không được tổ chức thi tuyển, thí sinh chỉ quan tâm đến đại học khiến các trường cao đẳng lo sẽ khó tuyển sinh.
Bị động trong khâu tuyển sinh và còn nặng về vấn đề bằng cấp
Ngày 1/8, các trường đại học, cao đẳng sẽ xét tuyển nguyện vọng một. Mỗi thí sinh được nộp hồ sơ vào một trường với 4 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường cao đẳng cho rằng đến tháng 11 thí sinh mới quan tâm đến hệ cao đẳng. Như vậy, trường sẽ bị đảo lộn kế hoạch đào tạo.
Ông Vũ Khắc Chương - Hiệu trưởng Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn - cho biết, đây là kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên nhưng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tới 12 điểm là vô lý. Mức điểm này cao hơn những năm trước (1-2 điểm) nên các trường sẽ khó tuyển sinh. Đáng lẽ ra ngưỡng xét tuyển đại học với điểm sàn cao đẳng phải được nới thành 4-5 điểm, thay vì 3 như đã công bố.
Kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên nhưng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tới 12 điểm là vô lý. |
"Những năm trước, trường có 8.000 thí sinh đăng ký dự thi. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn, trường đã tuyển được 70\% chỉ tiêu. Còn bây giờ, chúng tôi chưa có gì trong tay", ông Chương nói.
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TP HCM Nguyễn Tác Anh cho rằng, Việt Nam còn nặng vấn đề bằng cấp nên việc tuyển sinh ở các trường cao đẳng, trung cấp gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Giáo dục tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch tuyển sinh của các trường.
Theo ông Anh, nguồn tuyển của các trường cao đẳng là những thí sinh dưới điểm sàn đại học nhưng trên ngưỡng xét tuyển cao đẳng. Tuy nhiên, khái niệm đó chỉ đúng với những mùa tuyển sinh trước, còn năm nay thì rất mơ hồ. Hiện có 198 trường tuyển sinh bằng học bạ THPT. Thí sinh không đủ điểm vào đại học bằng điểm thi THPT quốc gia vẫn trúng tuyển bằng cách xét học bạ.
"Hơn nữa, mỗi thí sinh có 4 đợt xét tuyển ở các trường đại học, mỗi đợt có 4 nguyện vọng. Do đó, ở đợt xét tuyển dành riêng cho các trường cao đẳng vào đầu tháng 11 nguồn tuyển sẽ không còn nhiều", ông Anh nói.
Đồng quan điểm, Hiệu phó Cao đẳng Bách Việt Trần Mạnh Thành bày tỏ lo lắng vì mùa tuyển sinh năm nay sẽ rất khó khăn. "Tỷ lệ ảo ở bậc cao đẳng sẽ nhiều hơn vì thí sinh được rút 4 phiếu điểm ở các đợt trước đó đi xét tuyển. Hiện, chúng tôi hoàn toàn bị động và chỉ biết ngồi chờ thí sinh", ông Thành nói.
Là trường có thương hiệu ở TP HCM, điểm chuẩn các năm trước rất cao nhưng Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP HCM cũng không chắc mùa tuyển sinh năm nay sẽ đủ chỉ tiêu.
"Bây giờ chúng tôi không biết việc xét tuyển năm nay sẽ như thế nào. Phải qua đợt xét tuyển nguyện vọng một trường mới nắm được tình hình. Việc tuyển sinh năm nay sẽ không dễ như các năm trước", ông Phạm Đình Cường, Trưởng phòng Đào tạo cho biết.
Kế hoạch đào tạo bị xáo trộn
Theo lãnh đạo nhiều trường CĐ, với quy định về xét tuyển như năm nay, các trường sẽ gặp phải khó khăn lớn trong công tác đào tạo. Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt nhận định: “Khi các trường ĐH có thể khai giảng vào tháng 9 và bắt đầu chương trình đào tạo, thì đến giữa tháng 11 chúng tôi mới tuyển xong, mà chưa chắc đã tuyển đủ. Việc khai giảng có thể phải đến gần cuối tháng 11. Kế hoạch về đào tạo đúng tiến độ coi như bị phá sản”.
Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính - Hải quan cũng lo lắng, mọi năm tháng 9 là trường đã khai giảng và bắt đầu giảng dạy cho khóa mới thì năm nay kế hoạch đào tạo hoàn toàn bị xáo trộn.
Bộ Giáo dục phải mạnh tay hơn
Thông tin từ Vietnamnet, chiều ngày 28/7 Bộ GD-ĐT đưa ra mức điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với ĐH và CĐ. Tuy nhiên, điều này cũng không cho các trường CĐ nhiều hy vọng.
Ông Nguyễn Quang Hậu, hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Thọ mong mỏi “Tôi chỉ muốn đề nghị Bộ GD-ĐT chấm dứt tình trạng trăm hoa đua nở như hiện nay, chỗ nào cũng đua nhau mở trường và tuyển sinh ĐH mà không chú trọng tới chất lượng đào tạo, trong khi cử nhân thất nghiệp thì còn nhiều như vậy”.
Bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ ASEAN cũng không cho rằng ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng của Bộ sẽ có nhiều ý nghĩa nếu Bộ không mạnh tay siết chặt các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đại học. “Bên cạnh ngưỡng đầu vào, Bộ GD-ĐT cần có chế tài ràng buộc các trường ĐH. Theo đó, cần căn cứ cơ sở vật chất, điều kiện giảng viên mà quy định cho các trường đại học chỉ được tuyển đúng số lượng chỉ tiêu để đảm bảo đào tạo đúng chất lượng. Bộ không thể để các trường ĐH thấy tuyển được là cứ tuyển, rồi sau đó chấp nhận nộp phạt là xong”.
Bà Phương cũng cho rằng Bộ cần làm quyết liệt hơn việc phân luồng đào tạo, “cần tiến tới sau này trường ĐH chỉ đào tạo ĐH và trên ĐH, trường CĐ đào tạo CĐ, thì mọi người mới yên tâm để xây dựng “sân” riêng của mình. Nếu không sòng phẳng, sẽ sớm tới lúc các trường CĐ “chết” hết”.
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]aX8zrfFIqe[/mecloud]