Bão số 4 (Noru) được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua nên tất cả mục tiêu, giải pháp là hạn chế thiệt hại thấp nhất, nhất là về tính mạng, sức khỏe của người dân.
Dự báo, thời điểm nguy hiểm nhất của bão số 4 trên đất liền là từ đêm nay đến rạng sáng ngày mai, 28/9. Khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất vẫn tập trung vào Đà Nẵng, Quảng Nam, bắc Quảng Ngãi.
Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương dừng ngay những cuộc họp chưa cần thiết, chưa cấp bách để ưu tiên việc phòng tránh bão lũ.
Các địa phương chuẩn bị phương án, lập kế hoạch, chuẩn bị nơi ở, phương tiện vận chuyển… để di dời dân vùng ven biển, vùng trũng thấp, người dân ở nhà tạm, nhà thiếu kiên cố đến nơi an toàn; muộn nhất đến trước 14 giờ chiều mai 27/9 phải hoàn thành việc di dời dân.
Ở những điểm xung yếu do ngập lụt, sạt lở, sóng lớn, triều cường, ven biển… cần có lực lượng ứng trực tại chỗ để đề phòng sự cố; tuyệt đối không được để xảy ra tai nạn do chủ quan, lơ là.
Tiếp đến, để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu thuyền, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện:
Cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 17h, ngày 26/9/2022. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 0h ngày 27/9/2022.
Sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải); tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn…
Trước đó, tỉnh Nghệ An cũng ra Công điện số 20/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4. Theo đó, tỉnh Nghệ An yêu cầu tất cả các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Công điện nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ.
Chiều tối 26/9, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong những ngày qua các lực lượng chức năng của tỉnh đã tích cực triển khai công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền tránh trú bão số 4.
“Đến nay đã có 5.217 tàu neo đậu an toàn ở các bến. Trong đó, neo đậu tại các khu neo đậu của tỉnh là 1.178 chiếc gồm: Cảng Lý Sơn 506/500 chiếc, Cảng Mỹ Á 161/400 chiếc; Cảng Sa Huỳnh 102/500 chiếc; cảng Tịnh Kỳ 64 chiếc và cảng Tịnh Hòa 355/350 chiếc. Tuy nhiên, trên các vùng biển số tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động trên biển vẫn còn khá nhiều”, thông tin từ Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi.
Để công tác phòng chống bão số 4 hiệu quả, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý Cảng cá, theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn các tàu, thuyền (nhất là các tàu, thuyền hoạt động ở khu vực vùng biển Hoàng Sa) di chuyển trình trú bão số 4 một cách an toàn.
Đối với các lực lượng vũ trang gồm Quân sự, Công an đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ chính quyền các địa phương và người dân ứng phó, khắc phục hậu của bão, mưa lũ.
Trước dự báo cơn bão Noru sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Bình, Ban Chỉ huy PCTT VÀ TKCN tỉnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, ngành, các huyện, thị xã, thành phố triển khai các phương án ứng phó, phòng chống bão số 4 và mưa lớn theo phương châm “4 tại chỗ”.
Lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đều đã nắm được thông tin của bão Noru, hiện đang trên đường vào bờ, trú hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, đến 7 giờ sáng nay (26/9), toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.675 tàu thuyền, trong đó có 3.673 phương tiện đã nắm bắt thông tin và vào bờ trú ẩn. Hiện còn 2 phương tiện cùng 13 lao động đang hoạt động ở vùng khơi Hà Tĩnh đã liên lạc được và đang di chuyển vào tránh trú.
Còn các huyện ven biển như Quảng Xương, Hoằng Hoá, Hậu Lộc...thuộc tỉnh Thanh Hóa, các ngư dân đã đưa tàu, thuyền vào bờ, tìm nơi tránh trú an toàn chờ bão Noru đi qua.
Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh; Giám đốc Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa, Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị liên quan chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đình hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; chủ động cấm biển, cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; khẩn trương rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch); rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở...
Cũng do ảnh hưởng của bão số 4 Noru, 5 sân bay sẽ phải tạm đóng cửa, ngưng tiếp nhận tàu bay.
Cụ thể, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) tạm ngừng tiếp nhận tàu bay trong thời gian từ 7h00 sáng 27/9 đến 6h59 ngày 28/9.
Các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Phù Cát (Quy Nhơn, Bình Định), Pleiku (Gia Lai) sẽ tạm ngừng tiếp nhận tàu bay từ 12h00 ngày 27/9 đến 11h59 ngày 28/9/2022.
Các chuyến bay đến và đi các sân bay trên trong thời gian ảnh hưởng của bão vì thế sẽ tạm ngừng.
Ngoài ra, các chuyến bay đến và đi các sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên), Liên Khương (Đà Lạt, Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng dự kiến phải điều chỉnh thời gian khai thác do ảnh hưởng của bão.
Một số chuyến bay khác chịu ảnh hưởng dây chuyền. Hành khách trên các chuyến bay chịu ảnh hưởng được hỗ trợ theo chính sách dịch vụ của hãng.