Tiến sĩ Philip Wiseman, nhà thiên văn học tại Đại học Southampton cho biết, vụ nổ có tên AT2021lwx lần đầu được phát hiện vào năm 2020 nhưng chỉ được chú ý khi khoảng cách với trái đất của nó được tiết lộ. Các nhà thiên căn học sau đó đã rất sốc trước quy mô gần như không thể tưởng tượng được của vụ nổ.
"Chúng tôi ước tính đó là một quả cầu lửa có kích thước gấp 100 lần hệ mặt trời với độ sáng gấp khoảng 2 triệu lần mặt trời. Trong ba năm, sự kiện này đã giải phóng năng lượng gấp khoảng 100 lần so với mặt trời trong vòng đời 10 tỷ năm của nó”, ông Wiseman chia sẻ.
AT2021lwx không phải là vụ nổ sáng nhất từng được chứng kiến. Một vụ nổ tia gamma sáng hơn với tên GRB 221009A đã được phát hiện vào tháng 10 năm ngoái nhưng sự kiện này chỉ kéo dài trong vài phút. Ngược lại, vụ nổ lớn nhất mới được phát hiện vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này đồng nghĩa với việc sự giải phóng năng lượng tổng thể của AT2021lwx có thể còn lớn hơn rất nhiều.
"Khi tôi nói với nhóm về những số liệu, tất cả họ đều rất sốc. Một khi chúng tôi hiểu nó cực kỳ sáng như thế nào, chúng tôi phải nghĩ ra cách giải thích nó”, nhà thiên văn học Wiseman nói.
AT2021lwx nằm ngoài phạm vi hợp lý đối với siêu tân tinh (ngôi sao phát nổ) vì vậy các nhà thiên văn học đã đưa ra một kịch bản phổ biến khác gây ra những tia sáng rực rỡ trên bầu trời đêm gọi là sự kiện gián đoạn thủy triều. Những sự kiện này thường liên quan đến việc một ngôi sao đi lạc quá gần lỗ đen và bị xé vụn với một phần bị nuốt chửng và phần còn lại bị kéo dài ra trong một đĩa xoáy.
Tuy nhiên, sau khi xem xét và so sánh số liệu với một ngôi sao có khối lượng gấp 15 lần mặt trời, các nhà khoa học tin rằng vụ nổ là kết quả của một đám mây khí khổng lồ và có thể lớn hơn mặt trời hàng nghìn lần sau khi lao vào miệng hố đen siêu lớn.
Đám mây khí này có thể bắt nguồn từ khối bụi lớn thường bao quanh các lỗ đen nhưng giới nghiên cứu vẫn chưa rõ điều gì thể đã đánh bật nó khỏi quỹ đạo của nó và rơi xuống hố sụt của vũ trụ.
"Việc bắt gặp một ngôi sao khổng lồ như vậy là rất hiếm, vì vậy chúng tôi nghĩ rằng nhiều khả năng là một đám mây khí lớn hơn nhiều”, ông Wiseman tiết lộ.
Các hố đen siêu lớn thường được bao quanh bởi một quầng khí và bụi khổng lồ. Các nhà thiên văn học suy đoán rằng một số vật liệu có thể đã bị phá vỡ do sự va chạm của các thiên hà và bị cuốn vào bên trong hố đen. Khi vật chất bay về phía ranh giới bên ngoài hố đen, nó sẽ tỏa ra một lượng nhiệt và ánh sáng khổng lồ.
Phương Uyên (The Guardian và Straits Times)