+Aa-
    Zalo

    Các nghi vấn không có lời giải của CIA về động cơ vụ ám sát ông Kennedy

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã xảy ra được 54 năm nhưng vẫn còn rất nhiều nghi vấn mà ngay cả Cục Tình báo Trung ương (CIA) cũng chưa thể tìm ra lời giải.

    Vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã xảy ra được 54 năm, nhưng vẫn còn rất nhiều nghi vấn mà ngay cả Cục Tình báo Trung ương (CIA) cũng chưa thể tìm ra lời giải.

    Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ sớm công bố hồ sơ mật cuối cùng về vụ ám sát ông Kennedy. Nhiều người hi vọng rằng loạt tài liệu mật cuối cùng này sẽ hé lộ các chi tiết mới về tay sát thủ Lee Harvey Oswald mà chỉ có Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có được.

    Nhà báo điều tra Gerald Posner cho rằng loạt tài liệu giải mật lần này sẽ đề cập đến những chuyến đi của Oswald đến các đại sứ quán của Liên Xô và Mexico City chỉ vài tuần trước khi thực hiện vụ ám sát Tổng thống Kennedy ở Dallas.

    Tuy nhiên, một bài phân tích được đăng tải trên Politico đánh giá rằng, trên thực tế, CIA cũng gặp rất nhiều khó khăn khi điều tra vụ việc. Cho đến nay còn nhiều nghi vấn mà bản thân cơ quan tình báo này cũng chưa tìm ra lời giải.

    Cựu Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát vào năm 1963. Ảnh: Times

    Sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy vào tháng 11/1963, CIA lao vào cuộc điều tra với hi vọng tìm ra động cơ thực sự của tên sát thủ và thế lực thù địch đứng đằng sau. Các nhân viên tình báo gần như tuyệt vọng, cố nắm lấy các tài liệu được cung cấp bởi Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Mật vụ và các bộ phận khác của chính phủ.

    Kịch bản chính thức thuyết phục được nhiều người là có một kẻ ảo tưởng tên Lee Harvey Oswald đã cố ám sát Tổng thống ở Dallas bằng khẩu súng 21 USD, và không thể tìm thấy bằng chứng cho thấy cuộc tấn công là âm mưu ở nước ngoài hay trong nước. Ngoài ra, nhiều người cũng cho rằng, Oswald được biết về âm mưu ám sát Chủ tịch Cuba Phidel Castro nên đã bị kích động.

    Tuy nhiên, vài năm sau vụ ám sát, một số nhân viên CIA bắt đầu lo lắng rằng kịch bản trên là không chính xác. Cụ thể, vào giữa thập niên 70, các quan chức của CIA xác nhận FBI, Cơ quan Mật vụ và Nhà Trắng gần như chưa bao giờ theo dõi những manh mối quan trọng về việc Oswald có liên lạc với các đặc vụ nước ngoài, bao gồm các nhà ngoại giao và gián điệp cho chính phủ Cuba hay Liên Xô.

    Không hề có bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào trong các tài liệu được công bố cho đến nay chứng minh Cuba, hay các nhà lãnh đạo nước ngoài khác có vai trò cá nhân trong việc ra lệnh hay cổ súy vụ ám sát.

    Khẩu súng mà Oswald dùng để ám sát. Ảnh: Politico

    Các tài liệu của CIA cũng bày tỏ nghi ngờ về cách giải thích động cơ của Oswald nhằm sát hại ông Kennedy, vốn chưa bao giờ được hình thành một cách chắc chắn. Tại sao người đàn ông đó lại có thể trở nên giận dữ sau khi đọc một bài báo ở New Orleans rằng “anh hùng” của ông – nhà lãnh đạo Cuba Phidel Castro bị chính quyền Kennedy nhắm tới để ám sát. Theo lý thuyết đó, Oswald, người đã từng được huấn luyện súng trường trong Thủy quân lục chiến đã hành động trước, ám sát ông Kennedy trước khi Tổng thống Mỹ ám sát nhà lãnh đạo Cuba.

    Cuối cùng, CIA cũng thừa nhận rằng họ đã cố gắng ám sát ông Castro, đôi khi thông đồng với cả các tổ chức mafia trong suốt nhiệm kỳ của ông Kennedy. Kho vũ khí của CIA nhằm chống lại ông Castro bao gồm một bộ đồ lặn bị nhiễm nấm, một kim tiêm đầy chất độc giấu trong cây bút và thậm chí là một điếu xì gà có thể phát nổ. Washington chỉ miêu tả trong bản báo cáo cuối cùng rằng Oswald đã xả súng do "hận thù đối với xã hội Mỹ".

    Vào năm 2013, một nguồn tin thân cận tiết lộ rằng CIA đã tiến hành một cuộc điều tra vào năm 1963 và 1964 với hy vọng có thể chứng minh được rằng Lee Harvey Oswald không có động cơ xác định nhưng ít nhất hắn đã hành động một mình trong vụ ám sát John Kennedy.

    Sau đó, cuộc điều tra vào giữa những năm 1970 đã khiến CIA nhận ra rằng không cá nhân hay tổ chức nào có manh mối về một chương bí ẩn đặc biệt trong cuộc đời Oswald - chuyến đi 6 ngày đến thành phố Mexico bắt đầu từ cuối tháng 9 năm 1963 – 2 tháng trước khi tiến hành vụ ám sát. Lý do cho chuyến đi chưa bao giờ được xác định một cách chắc chắn, mặc dù kẻ ám sát đã nói với vợ hắn, bà Marina rằng hắn đã đến đó vì vấn đề thị thực.

    Oswald có thể có quan hệ bí mật với chính phủ Cuba hoặc Liên Xô thời bấy giờ. Ảnh: Politico

    CIA thừa nhận từ rất lâu rằng tại Mexico, Oswald đã gặp gỡ các nhà ngoại giao và gián điệp Cuba, Liên Xô. Thậm chí kẻ sát nhân còn khai rằng Cuba và Liên bang Xô viết sẽ cấp thị thực nhập cảnh vào hai quốc gia này sau khi hắn hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, lời khai còn nhiều nghi vấn và chưa có bằng chứng xác thực. Oswald cũng bị nghi có quan hệ tình dục ngắn ngửi với một phụ nữ Mexico làm việc trong lãnh sự quán Cuba.

    Các tập tin được phát hành trước đây cũng chỉ ra rằng CIA và các cơ quan khác đã không theo đuổi những gợi ý rằng Oswald, người công khai ủng hộ cuộc cách mạng của ông Phidel Castro ngay cả khi phục vụ trong Thủy quân lục chiến Mỹ, đã liên lạc với các nhà ngoại giao Cuba nhiều năm trước chuyến đi Mexico - có thể sớm nhất là từ năm 1959. Một nhân viên của Bộ Quốc phòng Mỹ từng kể lại rằng, Oswald đã tiếp xúc rất thoải mái với các nhà ngoại giao Cuba ở Los Angeles, nơi chính quyền của ông Castro có một văn phòng.

    Một bản tin nội bộ của CIA năm 1975 có đoạn: “Sự bắt đầu mối quan hệ của Oswald với người Cuba đặt ra một nghi vấn quan trọng".

    Tất cả các tài liệu liên quan đến vụ việc bao gồm ảnh, phim, bản ghi âm và hiện vật đều được lưu giữ bởi Cơ quan Lưu trữ Quốc gia. Khoảng 88% các hồ sơ này đã được phát hành đầy đủ cho công chúng từ cuối những năm 1990.

    Theo đạo luật về tài liệu vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy mà cựu Tổng thống Bush đã ký năm 1992, tất cả các hồ sơ đã lưu giữ trước đây một phần hoặc toàn bộ sẽ được công bố muộn nhất là vào ngày 26/10/2017. Nhiều người lo lắng rằng liệu Tổng thống Mỹ đương nhiệm có cho phép phát hành tài liệu mật hay quyết định giữ lại và ông Trump đã có câu trả lời vào ngày 21/10 vừa qua.

    Tuy nhiên, nhà báo Gerald Posner đánh giá rằng loạt tư liệu này cũng sẽ không hé lộ âm mưu bất ngờ nào khác. “Nếu tình báo Mỹ có bằng chứng trong tay, thông tin đó đã bị rò rỉ từ lâu rồi”.

    Trước đó, hồi tháng 8/2017, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá rằng rất nhiều trong số những tài liệu mới được công bố trực tuyến thời gian gần đây chỉ là bản sao các tệp tin đã được phát hành hàng chục năm trước đó. Các tài liệu khác là hoàn toàn không đọc được hoặc chứa tên mã của CIA và FBI mà ngay cả các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm cũng sẽ phải mất vài tháng để giải mã. Một số tài liệu thậm chí được viết bằng tiếng nước ngoài.

    (Theo Politico)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-nghi-van-khong-co-loi-giai-cua-cia-ve-dong-co-vu-am-sat-ong-kennedy-a206292.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan