(ĐSPL) - Nhiều công ty tại Mỹ đang xem xét lại kế hoạch sáp nhập công ty, một số khác suy nghĩ lại về việc cắt giảm nhân sự hoặc điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc do nghi ngại sẽ bị gắn mác “chống Mỹ” bởi tổng thống đắc cử Donald Trump.
Áo phông sản xuất tại Mỹ được giảm giá ở siêu thị Walmart tại Bentonville, Arkansas vào 5/6/2014 - Ảnh: Reuters. |
Sau sự kiện hàng loạt các công ty lớn tại Mỹ như tập đoàn General Motors, tập đoàn Lockheed Martin và tập đoàn United Technologies bị ông Donald Trump chỉ trích thẳng thắn và công khai trên Twitter, nhiều công ty khác đang lo lắng về việc mình sẽ là mục tiêu chỉ trích tiếp theo của ông Trump – đặc biệt là nếu những công ty này có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước ngoài, cắt giảm nhân sự Mỹ hoặc tăng giá sản phẩm, dịch vụ.
“Bất kỳ doanh nghiệp nào rời bỏ Mỹ để tập trung kinh doanh tại các quốc gia khác, sa thải các nhân viên người Mỹ, xây dựng các nhà máy ở nước khác và cho rằng sau đó sẽ tiêu thụ những sản phẩm của mình ở Mỹ mà không phải chịu bất cứ sự trừng phạt hay hậu quả nào thì họ đã NHẦM rồi!”. Đây là dòng tweet của ông Trump, người sẽ chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới.
Ông Donald Trump đã xây dựng một chiến dịch dựa trên nền tảng chống toàn cầu hóa mang tên "America First" (tạm dịch là “Ưu tiên Mỹ”). Chiến dịch này hứa hẹn sẽ mang lại hàng ngàn việc làm cho các khu vực đang bị suy giảm về kinh tế.
Theo các chủ ngân hàng có tên tuổi tại phố Wall, những lời nói mang tính dân tộc và hành động sẵn sàng dùng tài khoản Twitter như một vũ khí của ông Trump đã gây hoang mang cho những công ty mà kế hoạch sáp nhập và mua lại của họ bao gồm việc cắt giảm một số lượng lớn nhân sự, đưa sản phẩm ra nước ngoài hoặc đóng thuế cho các nước khác. Những công ty này lo sợ các kế hoạch đó sẽ bị xem là “không yêu nước”.
Tập đoàn bảo hiểm White Mountains có trụ sở tại Bermuda đã đàm phán bán lại tập đoàn trong một giao dịch được xây dựng theo phương thức đảo ngược, tức là doanh nghiệp mua lại có trụ sở tại Mỹ sẽ đóng thuế cho nước ngoài.
Tuy nhiên, một số người trong cuộc cho biết thương vụ này đã thất bại sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 vừa qua, một phần vì các doanh nghiệp mua lại lo lắng rằng việc đóng tiền thuế cho nước khác sẽ bị xem là hành động “chống Mỹ”. Ngoài ra, bên mua nhận thấy thương vụ mua bán kể trên không còn hấp dẫn nữa do ảnh hưởng của thông tin thuế doanh nghiệp tại Mỹ sẽ giảm xuống dưới sự lãnh đạo của ông Trump.
Cũng theo thông tin từ những người trong cuộc, ít nhất hai thương vụ công ty bảo hiểm khác cũng thất bại bởi các lý do tương tự. Tuy nhiên những người này từ chối cung cấp thêm thông tin và yêu cầu được giấu tên do những tin tức này là tin mật.
Những lời lẽ “chống Trung Quốc” đầy quyết liệt của ông Trump cũng khiến các kế hoạch của nhiều công ty bị phá sản.
James Park, giám đốc điều hành của công ty sản xuất thiết bị thể dục Fibit Inc cảnh báo tất cả các công ty có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc, trong đó có Fitbit Inc nên có kế hoạch dự phòng.
Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa đe dọa sẽ giáng một đòn mạnh mẽ vào Trung Quốc và Mexico với mức thuế suất cao, đồng thời bổ nhiệm giáo sư Peter Navarro làm giám đốc của Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng, một vị trí mới được tạo ra trong ngành hành pháp của chính phủ liên bang Mỹ.
(Theo Reuters)