Theo thông tin trên RT, chỉ vài ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, một loạt các tập đoàn phương Tây đã rút khỏi thị trường Nga.
Các nhà hoạt động và quan chức Ukraine thúc giục những tập đoàn không chịu rời đi, cùng lúc đó các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấm xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa từ Nga.
Hôm 17/12, tờ New York Times trích dẫn các báo cáo tài chính cho hay, các công ty đã bán đi các chi nhánh tại Nga đã mất tổng cộng 103 tỷ USD, đồng thời nộp ít nhất 1,25 tỷ USD tiền thuế xuất cảnh cho chính phủ Nga.
Tính đến tháng 3/2022, nếu các công ty muốn bán tài sản của họ ở Nga thì việc này phải được một ủy ban chính phủ phê duyệt, đảm bảo người mua địa phương sẽ mua được những tài sản này với giá hời.
Trích dẫn biên bản cuộc họp của ủy ban nói trên, New York Times nhận định cơ quan này đã từ chối việc bán các nhà máy thuộc sở hữu của Honeywell - một công ty điện tử của Mỹ, cho tới khi công ty này đồng ý bán với giá chiết khấu 50%. Được biết, kể từ đầu năm 2023, các công ty bị ràng buộc về mặt pháp lý phải bán tài sản của mình ở mức chiết khấu này.
Chia sẻ với New York Times, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov nói: “Những người rời đi đang mất đi vị trí của mình. Tất nhiên, tài sản của họ đang được mua với giá chiết khấu cao và được các công ty của chúng tôi tiếp quản, họ đang làm điều đó một cách vui vẻ”.
Trong một diễn biến khác, RT đưa tin ngày 15/12, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina nói rằng, nền kinh tế Nga được kỳ vọng sẽ không rơi vào suy thoái trong năm 2024.
GDP của Nga được dự báo sẽ tăng khoảng 2,7% trong năm nay nhờ nhu cầu mạnh mẽ trong nước. Năm 2024, Ngân hàng Trung ướng Nga dự kiến mức tăng trưởng 0,5% đến 1,5%.
Tuy nhiên, theo bà Nabiullina, ước tính nói trên sẽ được xem xét lại vào tháng 2/2024 và điều quan trọng là phải đưa ra quyết định kịp thời để hạ nhiệt nhu cầu dư thừa và giảm lạm phát.
Tuyên bố nói trên được đưa ra ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất chủ chốt thêm 100 điểm cơ bản lên mức 16% mỗi năm do áp lực lạm phát vẫn còn. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp kể từ mùa hè năm 2022, khi lãi suất ở mức 7,5%.
XEM THÊM: Hàn Quốc nói Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo về phía biển Đông Hải
Cơ quan quản lý cho biết, áp lực lạm phát dai dẳng đã gia tăng trong những tháng gần đây do nhu cầu trong nước vượt quá khả năng mở rộng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế mà Ngân hàng Trung ương Nga ước tính trước đây.
Lạm phát dự kiến - một thước đo quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ - đã tăng mạnh vào tháng 11/2023, bất chấp việc đồng rúp gần đây tăng giá. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, lạm phát dự kiến của cả hộ gia đình và doanh nghiệp cũng tăng lên.
Đinh Kim (Theo RT)