Báo Dân trí dẫn nguồn từ Reuters đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã chỉ trích cảnh báo của ông Biden là "hoàn toàn vô nghĩa" sau khi Tổng thống Mỹ cảnh báo Nga có thể tấn công một quốc gia NATO nếu Moscow thắng cuộc chiến ở Ukraine. Ông Putin tuyên bố Nga không muốn bùng phát xung đột với khối liên minh quân sự phương Tây.
"Điều đó hoàn toàn vô nghĩa và tôi nghĩ Tổng thống Biden hiểu điều đó. Nga không có lý do, không có lợi ích địa chính trị, kinh tế, chính trị hay quân sự để chiến đấu với các nước NATO", ông Putin nói trong một cuộc phỏng vấn được đài truyền hình nhà nước Rossiya công bố hôm 17/12.
Liên minh NATO do Mỹ lãnh đạo được thành lập vào năm 1949 nhằm tập hợp khối phương Tây đối phó với Liên Xô. Sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, NATO tiếp tục mở rộng để kết nạp một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ và khối Hiệp ước Warsaw.
Ông Putin đã nhiều lần coi việc NATO mở rộng thời hậu Chiến tranh Lạnh là bằng chứng cho thấy phương Tây không quan tâm tới các mối lo ngại về an ninh của Nga.
Theo Điều 5 của hiệp ước NATO, "các Bên đồng ý rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên NATO ở Châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các nước".
Ông Putin cho biết, việc Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4 sẽ buộc Nga phải "tập trung một số đơn vị quân sự" ở miền bắc nước Nga gần biên giới giữa 2 nước. Ngoài ra, chủ nhân điện Kremlin cũng thừa nhận ông đã sai lầm khi cho rằng phương Tây sẽ thiết lập quan hệ thiết thực với Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Nhà lãnh đạo Nga cáo buộc phương Tây muốn nước Nga chia rẽ.
Báo điện tử VTC News đưa tin, hồi đầu tháng 12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từng cảnh báo nếu giành chiến thắng trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga có thể sẽ mở rộng chiến dịch và tấn công các nước thành viên NATO.
Bình luận của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh có sự chia rẽ sâu sắc trong Quốc hội Mỹ về vấn đề viện trợ cho Ukraine. Ngày 6/12, Thượng viện Mỹ không thể thông qua dự luật chi tiêu trị giá 111 tỷ USD - trong đó sẽ phân bổ hơn 60 tỷ USD viện trợ cho Ukraine - ngay cả khi ông Biden lập luận rằng điều này sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo và uy tín của Mỹ.
Trong bài phát biểu đầy sôi nổi trên truyền hình hồi đầu tháng 12, ông chủ Nhà Trắng nói rằng gói hàng viện trợ này là không thể chờ đợi. Dù Ukraine cầm cự được trước các cuộc tấn công của Nga trong gần 2 năm qua, cuộc phản công trong năm nay của họ bị đình trệ và có dấu hiệu chùng xuống.
Phương Uyên(T/h)