(ĐSPL) - Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng “thuốc giấu” là có thực, nhưng phải nhìn nhận từ trên cơ sở của khoa học chữa bệnh.
Để đi tìm câu trả lời về sự thực các bài 'thuốc giấu', phóng viên báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Lương Y Vũ Quốc Trung. Dưới đây là nội dung phỏng vấn:
Không phải tất cả đều là mê tín
- Thưa ông, trong dân gian vẫn lưu truyền một số bài thuốc được cho là “thuốc giấu” để chữa trị các bệnh thường gặp như ốm sốt, tiêu chảy, lang ben, cầm máu,... Theo đó, người làm thuốc phải tuân thủ các nguyên tắc như “giấu” người khác, thậm chí phải đi ăn trộm, cướp và phải cầu khấn thần linh. Ông nghĩ sao về điều này?
- Thực ra, trong suốt nhiều năm làm nghề, nghiên cứu về các bài thuốc đông y trong dân gian, tôi cũng nằm lòng được nhiều bài thuốc dân gian vẫn thường cho là “thuốc giấu” như khi bị đỉa cắn thì lấy nước bọt hoặc lấy bùn đắp vào để cầm máu, khi bị ngộ độc thì dùng mùn thớt hoặc lông gà, để trị hoặc trẻ con bị nấc thì dùng cuống chiếu, nhằn nhằn lấy nước rồi dán vào trán trẻ con, khi bị bỏng thì dùng nước mắm bôi vào... Nhiều người cho rằng, phải đi “ăn trộm” hoặc khấn thần phật thì thuốc mới có công hiệu. Thực ra, tìm hiểu kỹ thì thấy, tất cả những thứ được dùng làm thuốc ở đây ít nhiều đều có công dụng chữa bệnh. Ví dụ như trong bùn có khoáng chất, một số loại có tác dụng cầm máu, trong nước bọt thì có enzim tương tác với chất tiết ra từ đỉa cũng có tác dụng cầm máu, ngọn ổi, búp sen,... cũng là bài thuốc phổ biến trong đông y, đã được khẳng định.
Thạc sỹ- lương y Vũ Quốc Trung. |
Yếu tố “giấu”, thần linh như trai 7 ngọn, gái 9 ngọn nhiều khi là dựa trên quan niệm về hồn vía của dân gian thôi. Yếu tố thần linh nhiều khi chỉ có tác dụng như một cách hù dọa trẻ, chẳng hạn khi trẻ không chịu uống thứ nước thuốc đó chẳng hạn. Đưa cho trẻ một sự sợ hãi mơ hồ, sẽ tạo ra một thứ niềm tin để chấp nhận thuốc. Cái quan trọng nhất ở đây vẫn là tác dụng chữa bệnh của thuốc.
Tôi không phủ định tác dụng của yếu tố tâm linh trong các bài “thuốc giấu”, nó cũng giống như việc tạo nên cho người bệnh một niềm tin. Chính niềm tin này đã vô tình tạo ra sự tiết kháng thể trong cơ thể người bệnh, có tác dụng hấp thu tốt hơn công dụng của các loại thuốc này. Cũng tương tự như việc cùng ăn một bữa cơm, nếu phải ăn cùng với người mình không thích và ngồi cùng với những người bạn hiểu nhau, việc hấp thụ món ăn sẽ tạo nên cảm giác khác biệt. Ngon hoặc không ngon nhiều khi không phải do người nấu mà là do tâm trạng của người ăn. Tôi cho rằng, “thuốc giấu” là một cách chữa trị khá độc đáo của dân gian khi kết hợp được cả yếu tố thuốc và yếu tố tinh thần của người bệnh. Yếu tố tâm linh, bí mật ở đây không nên hiểu như một sự mê tín dị đoan vì bản chất nó không có hại.
Có những loại “thuốc giấu” phản khoa học
- Như vậy, công dụng của “thuốc giấu” là thực sự hữu hiệu?
- Không phải bài “thuốc giấu” nào cũng hữu hiệu bởi vì nó còn phụ thuộc một phần vào cơ địa của mỗi người nữa. Có những bài thuốc như chữa lang ben, chữa ghẻ, chữa nấc, chữa ốm sốt,... người này có hiệu quả nhưng với người khác lại không tác dụng nên cũng không thể cứ ngồi chờ. Có bệnh thì vái tứ phương, thuốc này không khỏi thì phải chuyển sang thuốc khác. Thực chất của “thuốc giấu” chỉ là cách chữa mẹo, có tác dụng tức thời. Với những bệnh nặng thì phải điều trị đàng hoàng, có phác đồ từ thầy thuốc chứ không thể trông chờ vào “thuốc giấu”.
Nhiều loại “thuốc giấu” ngày xưa được dùng phổ biến như nước giải của đồng nam, đồng nữ hoặc phân su trẻ em, bây giờ khoa học đã chứng minh ngược lại là phản khoa học rồi. Khoa học đã chứng minh là “thuốc” ấy có hại rồi, còn ai dám dùng nữa. Vì vậy, khi quyết định dùng “thuốc giấu”, thuốc mẹo, người dùng phải rất “tỉnh” và có kiến thức về thuốc dân gian, nếu không phải tìm đến thầy thuốc.
- Theo ông, khi dùng “thuốc giấu” phải lưu ý điều gì?
- Có bệnh thì phải dùng thuốc nhưng phải hiểu về loại thuốc mình đang dùng. Trước kia, thường ở nông thôn, người dân trồng rất nhiều loại cây thuốc xung quanh nhà. Đương nhiên, chẳng ai dại mà trồng các cây có độc. Vì thế, khi trong nhà có bệnh lặt vặt, bệnh thời tiết thì người ta dễ dàng tìm thấy thuốc xung quanh. Như tôi đã nói ở trên, có niềm tin thì tạo nên kháng thể hấp thụ thuốc tốt hơn. Đó chẳng phải là công dụng ngoài mong muốn sao. Nhưng, có một nguyên tắc tôi luôn phải nhắc nhở người bệnh là: Muốn dùng thuốc phải hiểu về thuốc. Đừng ngoan cố trông chờ vào “thuốc giấu” mà mang tật vào người.
Không phủ nhận người xưa có nhiều mẹo hay chữa bệnh nhưng đến thời điểm hiện tại, khi khoa học đã phát triển, có điều kiện kiểm chứng, không nên bỏ lỡ. Bởi lẽ, có thể bài “thuốc giấu” chỉ đúng với một vài trường hợp rồi sau đó được đồn thổi lên quá tác dụng.
- Xin cảm ơn ông!
“Thuốc giấu” như một cách tự kỷ ám thịChia sẻ với PV báo ĐS&PL, nhà ngoại cảm Trần Thịnh- trung tâm Nghiên cứu tiềm năng và con người cho biết, hiện nay chưa thể khẳng định được có hay không tác dụng của tâm linh trong các bài “thuốc giấu”. Vai trò của thần, phật, ông bà tổ tiên chiếm bao nhiêu phần trăm công dụng trong đó thì chưa ai đo được nhưng từ trước đến nay, dân gian vẫn dùng để điều trị các bệnh tật phổ biến.
Trong quá trình nghiên cứu về đời sống tâm linh, niềm tin của con người, ông Thịnh cũng đã nhiều lần chứng kiến cách chữa bệnh khá “độc- dị- lạ” như chữa rắn cắn không cần dùng thuốc mà chỉ cần xoa tay, khấn vái cộng với một vài thủ thuật phù phép khác. Hoặc là chữa khoèo, chữa bong gân, trật khớp cũng có những cách chữa tương tự mà chỉ có thầy thuốc “vườn” mới chữa được. Ngoài ra, có những bệnh được cho là “ma làm” như đau đầu, đau bụng, đau chân tay,... sau khi được “thuốc giấu”, người bệnh có cảm giác khỏi nhanh chóng. Ông Thịnh cho rằng, nhiều khi yếu tố tự kỷ ám thị đã tác động trực tiếp lên người bệnh. Nhưng đó chỉ là những bệnh về “tâm” chứ không phải bệnh nguy hiểm, nan y. Bệnh về “tâm” thì phải chữa theo đường “tâm” là lẽ đương nhiên. Nhiều người thường viện cho sức mạnh của một đấng bề trên nào đó phù hộ độ trì cho mình tai qua nạn khỏi, thoát khỏi những đau đớn của bệnh tật mà không xét tới các yếu tố tự thân, nguyên nhân gây bệnh, điều kiện sức khoẻ, chữa trị của mình ra sao. “Tôi cũng đã nhiều lần chữa trị các bệnh tật về tay, chân cho người khác, thực chất có chữa gì đâu, chỉ giả vờ ra ngoài khuơ khoắng một lúc rồi vào, cho người ta nghĩ là đang làm phép rồi vào, bảo người ta chữa xong rồi và cho về. Thời gian sau, người ta đều phản hồi lại là khỏi rồi, nhưng thực ra có dùng thuốc gì đâu”, ông Thịnh chia sẻ. |
ĐỖ HUỆ
Xem thêm video Lương y 21 năm chữa bệnh miễn phí