(ĐSPL) – Bệnh trĩ, táo bón, mất ngủ, cúm, viêm mũi dị ứng là những căn bệnh “hàng đầu” bà bầu hay mắc phải và gây ra không ít phiền toái trong suốt thai kỳ.
Khi mang thai, sự thay đổi bất ngờ của nội tiết tố làm hệ miễn dịch của thai phụ bị suy giảm, nên bên cạnh hàng loạt các khó chịu, ám ảnh như ốm nghén, đau lưng, ợ chua, vọp bẻ, phù nề... bà bầu còn thường xuyên mắc phải các bệnh khác ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe bà bầu.
Dưới đây là một số bệnh mà bà bầu có thể sẽ gặp phải trong suốt quá trình thai nghén mà các bà bầu cần nhận biết để phòng tránh.
Chứng táo bón
Theo thông tin trên báo Kiến thức, khi mang thai, kích thích tố progesterone trong quá trình mang thai sẽ làm chùng giãn các cơ ruột khiến nhu động ruột giảm đi và gây chứng táo bón. Bà bầu sẽ phải vất vả với việc đi tiêu phân khô, cứng và số lần đi ít hơn thường lệ.
Khi mang bầu, phụ nữ dễ mắc chứng táo bón. Ảnh minh họa. |
Nguyên nhân là do bà bầu ăn ít chất xơ, ít uống nước, ít vận động khi mang thai và sử dụng nhiều chất bổ dưỡng, các loại thuốc và thực phẩm chứa sắt thường gây nóng cho cơ thể.
Để giảm tình trạng này, tốt nhất bạn nên ăn thức ăn giàu chất xơ và uống nhiều nước. Tập đi đại tiện bất cứ lúc nào bạn cảm thấy có nhu cầu, đừng nín nhịn. Tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước.
Bệnh trĩ
Mắc bệnh trĩ khi mang thai sẽ gây nhiều đau đớn, bất tiện cho bà bầu trong suốt quá trình thai nghén. Nguyên nhân gây bệnh trị là do bị táo bón kéo dài, bào thai phát triển khiến tĩnh mạch tầng sinh môn và đáy chậu bị chèn ép v.v… Ngoài ra, một số chị em có trĩ sẵn nhưng ở dạng ẩn (bên trong) sẽ dễ bị lộ trĩ trong quá trình mang thai.
Để phòng bệnh trĩ, chị em nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với việc tập thể dục, vận động nhẹ nhàng. Nên uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau củ quả, hạn chế thức ăn nóng nhiệt, không ăn nhiều đường, muối, hay dùng các thức ăn có chất kích thích như trà, café, nước ngọt v.v…
Mất ngủ
Biểu hiện khó ngủ, mát ngủ khiến cơ thể thai phụ mệt mỏi, thiếu cân bằng. Biểu hiện đầu tiên là bạn cảm thấy khó dỗ lại giấc nếu lỡ thức dậy giữa chừng. Một số thai phụ còn gặp những cơ ác mộng về việc sinh nở hoặc những sự cố với thai nhi.
Nguyên nhân là do em bé quẫy đạp khiến bạn liên tục buồn tiểu tiện trong đêm, cũng có thể do bụng quá lớn khiến bạn không thoải mái khi nằm.
Để bà bầu ngủ ngon giấc cần chú ý tư thế ngủ. Các chuyên gia khuyên rằng, bà bầu nên nằm ghé sang bên trái để ngủ, tư thế ngủ này sẽ giúp lượng máu đến nhau thai tốt nhất. Ngoài ra, khi mang thai, bà bầu không nên dùng đồ uống có gas hay chất kích thích như trà, cà phê vào buổi tối, tránh xem phim hay các chương trình dễ gây cao hứng trước khi đi ngủ. Cần giữ tâm thật an và tinh thần thật thoải mái để có giấc ngủ ngon.
Nhiễm khuẩn đường sinh dục
Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, các loại bệnh do nhiễm khuẩn đường sinh dục thường gặp ở bà bầu gồm: “viêm âm đạo do nấm”; “viêm âm đạo do loạn khuẩn”; “viêm âm đạo do trùng roi”; “viêm âm đạo không do nhiễm khuẩn”; “viêm nhiễm đường tiểu” … nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho thai phụ….
Thường các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục có tiến triển âm thầm nên bà bầu khó chú ý, vì vậy nếu thấy có những biểu hiện bất thường ở đường sinh dục, chị em cần đi khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, có thể tránh tình trạng này bằng cách nên mặc đồ lót bằng cotton, không dùng xà phòng có chất tẩy mạnh để vệ sinh vùng kín, lau rửa từ trước ra sau khi đi vệ sinh v.v….
Hen phế quản
Hen phế quản là bệnh thường xảy ra khi mang thai. Trong thực tế gặp khoảng 7\% phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ bị lên cơn hen, nhất là khi thời tiết thay đổi. Nếu bệnh được kiểm soát tốt thì không phải là nguy cơ nặng cho mẹ hoặc thai.
Nếu không được điều trị, có thể làm người mẹ có những biến chứng nghiêm trọng như tăng huyết áp (THA), nhiễm độc thai nghén và sinh non, thậm chí là tử vong. Với thai nhi, những biến chứng có thể gặp khi người mẹ bị hen không được điều trị tốt là chậm phát triển trong tử cung, sinh non; nhẹ cân, ngạt khi sinh.
Bệnh cúm
Bệnh cúm là bệnh phổ biến khi mang thai. Ảnh minh họa. |
Trong quá trình mang thai, hệ miễn dịch của chị em phụ nữ kém đi nhiều vì thế các virus gây bệnh, đặc biệt là virus cúm có nhiều khả năng tấn công hơn. Bệnh cúm rất dễ lây qua các hạt bụi nước có chứa virut khi người bệnh ho, hắt hơi hay do tiếp xúc trực tiếp.
Để ngừa cúm, bà bầu nên tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm cúm, tuân thủ chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn v v… Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi có các biểu hiện của cúm như ho, sốt mà cần đến bệnh viện, phòng khám để được điều trị đúng cách và kịp thời.
Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến khoảng 15- 20\% phụ nữ trong độ tuổi mang thai và là rối loạn thường gặp nhất, gây khó chịu trong thời kỳ thai nghén. Khi tiếp xúc với dị nguyên, người bệnh sẽ hắt hơi, chảy mũi liên tục, ngứa mũi, nước mũi chảy ra ràn rụa hoặc nghẹt mũi, rất khó chịu.
Đề phòng viêm mũi dị ứng, trước hết, các bà bầu cần tìm hiểu xem dị ứng nguyên là gì để phòng tránh. Cần giữ nhà cửa, môi trường sống luôn thoáng mát, sạch sẽ, không nuôi súc vật trong nhà. Tránh các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, sữa, các loại thủy hải sản... Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh hoặc nhiệt độ thay đổi đột ngột...
MẠC NHIÊN(Tổng hợp)
Xem thêm video 10 thực phẩm bà bầu nên tránh
[mecloud]gm4YL5eTyi [/mecloud]