(ĐSPL) - Năm 16 tuổi, ca sỹ Kim Anh được tài trợ sang Mỹ du học. Chuyến đi xa lần đầu và duy nhất ấy đẩy nữ ca sỹ vào biển bĩ cực với vô vàn đợt sóng lớn, nhỏ khác nhau. Sau tất cả, ở tuổi 63, ca sỹ Kim Anh tháo bỏ xiềng xích của ma túy, thắp lại ngọn lửa đam mê.
Chuyến phiêu lưu của cô gái nhỏ
- Chị có thể chia sẻ đôi điều về ký ức tuổi thơ?
Tôi sinh ra ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Tuổi thơ tôi được sự yêu thương chiều chuộng của ba. Từ nhỏ, tôi thích nghe hát trên radio và tập hát theo. Khán giả đầu tiên luôn bên cạnh và là người hùng của tôi chính là ba tôi. Ba tôi thích nhậu lắm. Ông nhậu suốt. Mỗi lần đi nhậu, ba thường bế tôi theo. Nhậu về, ông gặp chuyện bực mình là kêu tôi hát cho ông nghe, bất cứ bài gì cũng được, có khi không biết tên bài. Tôi hát từ nhạc Hồ Quảng cho đến cải lương Văn Hường, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn... Tôi hát gì ba cũng tán thưởng.
Hồi tôi học cấp một, chiều nào, tôi cũng chạy ra sân banh chơi. Tôi thấy một ông người Mỹ chạy cái xe Jeep đến đậu ở sân banh. Tôi rất tinh nghịch, phá phách mở xe của người ta chạy. Xe chạy, tôi không biết cách dừng lại nên xe rớt luôn xuống mương. Tôi nghĩ ông người Mỹ này sẽ bắt mình ở tù nhưng không, ông ấy cười hắt hắt, rồi tự câu xe lên. Tuần sau, ông lại đi xe khác đến, tôi cũng lái thử. Ông ấy khen tôi thông minh. Ông thấy vậy mới xin ba cho tôi đi du học. Ông ấy khen đầu óc tôi mạo hiểm, ham thích phiêu lưu.
- Chuyến đi đó có giống một chuyến phiêu lưu của một cô gái nhỏ?
Năm 16 tuổi, ba đồng ý cho tôi đi du học ở Mỹ với diện trao đổi du học sinh, được tài trợ hoàn toàn. Một mình sang nước Mỹ, tôi sợ lắm. Đó là chuyến phiêu lưu thực sự. Lên máy bay, tôi nhìn quanh quất mà không tìm được một người quen. Lúc này, người ở quê đồn đại, ba ham giàu nên cho tôi đi lấy chồng Mỹ. Bởi vậy, tôi ở nhà không yên, đi cũng không biết sống chết thế nào. Sang Mỹ, tôi chưa có bằng tú tài nên người ta đòi trục xuất tôi về. Người đàn ông bảo lãnh tôi đi Mỹ du học, làm trong quân đội được 20 năm. Thế nhưng, tình thế cấp bách, ông chấp nhận hy sinh cả sự nghiệp để giữ đúng lời hứa với ba tôi. Ông ấy cho tôi biết, ông đã hứa với ba phải đảm bảo cho tôi học xong đại học mới về nước. Bằng mọi giá, ông không để tôi bị trục xuất.
Ca sỹ Kim Anh thời trẻ. |
- Ông ấy đã dùng cách gì để chị được ở lại và tiếp tục học tập?
Để tôi ở lại, ông phải hy sinh 20 năm sự nghiệp để kết hôn với tôi. Điều kiện khắc nghiệt nhất là tôi phải có con mới được chấp nhận. Ông lớn hơn tôi 10 tuổi, chưa vợ và xem tôi như một đứa em. Ông cưới tôi xong, mọi thứ vinh quang đều bị tịch thu hết. Tôi nợ ông một chân tình vô cùng vô giá. Năm 1972, tôi sinh một người con. Ông đề nghị tôi nên tiếp tục học tập và tìm kiếm hạnh phúc. Kết thúc cuộc hôn nhân trên giấy tờ, ông nhận nuôi con. Tôi vẫn qua lại thăm con. Sau này, con của tôi với một người khác, ông cũng nhận nuôi. Thật đáng tiếc, một người tốt như ông lại bị ung thư. Tôi xem ông như một người anh, một người chú chứ không phải chồng, nên một lời yêu thương tôi cũng chưa từng nói ra vì sợ ông nghĩ tôi giả dối. Đến nay, mỗi lần hát, tôi lại nhớ đến ông rồi rơi nước mắt.
Giờ chỉ còn nước mắt
- Tại sao cuộc sống thanh xuân tươi đẹp của chị lại vướng vào ma túy?
Ngày 8/1/1978, New York có bão tuyết, tất cả xe cộ ngoài đường hầu như không lưu thông. Đúng lúc đó, tôi gặp người hàng xóm đang đỗ xe trong garage và cho tôi đi nhờ về nhà. Khi qua cầu, đúng lúc gặp bão xoáy, xe quay ngang rồi va vào thành cầu. Gần 3 năm trời, tôi sống trong nhà thương, không một người quen thân bên cạnh, sống chủ yếu nhờ lòng tốt của thiên hạ. Toàn cơ thể tôi lúc đó chi chít vết thương. Đầu phải cạo trọc. Lúc đó, chết với tôi còn nhẹ nhàng hơn việc phải sống. Tôi đã nghĩ, cuộc đời rồi sẽ mãi gắn với chiếc xe lăn. Thời gian trong bệnh viện các bác sỹ đã cho tôi dùng thuốc lá và ma túy để quên đi cơn đau. Tôi nghiện là tại tôi, cũng chẳng trách các bác sỹ được. Mình lạm dụng vô ý thức, trở thành một con nghiện. 4 năm trời vật vã với ma túy, bao nhiêu tiền làm ra, tôi đều dùng vào ma túy.
Năm 1984, sau một cơn sốc ma túy, tôi tỉnh dậy và tự nhủ, không thể thế này mãi được. Một là chết, hai là sống. Bĩ cực, đau đớn, mình đã chiến đấu để giành quyền được sống, nay sống như thế này thì thà chết còn hơn. Tôi đi Pháp cai nghiện. Tôi ôm bọc ma túy đi lang thang và tìm đến một nghĩa trang ở miền Đông nước Pháp, quyết sống tách biệt để thử sức chịu đựng. Tôi được gia đình người quản trang cho ở lại, họ không hề biết tôi nghiện mà chỉ biết tôi đến xin một việc để làm. Tôi vào toilet, đổ bọc ma túy xuống bồn cầu và giật nước. Rồi tôi ôm lấy bồn cầu ngồi khóc, như thể lần này mình không thể sống nữa. Sau đó, cơn nghiện bắt đầu. Ông bà chủ biết, hỏi tôi có muốn không để đi mua thuốc cho. Tôi lắc đầu quyết cai cho bằng được. Sau 8 tháng, tôi từ bỏ ma túy mà không cần một viên thuốc.
- Chị bỏ được ma túy, còn rượu và thuốc lá thì sao?
Tôi vẫn làm bạn với rượu và thuốc lá. Ai bảo tôi nghiện rượu, tôi rất buồn nhưng... Có thể, khả năng uống rượu mãi không say của tôi được ba tôi truyền lại. Tôi chẳng uống rượu để giải sầu hay vui quá cần phải chia sẻ, mà đơn giản tôi thích uống. Tôi nhớ năm 1991, tôi được mời về Việt Nam hát giao lưu văn hóa. Mới 8h sáng, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã sang chở tôi về nhà anh uống rượu. Anh đưa tôi một chai, anh một chai. Hai anh em cứ thế mà uống cạn. Mỗi lần nhậu với tôi, anh thích lôi mấy cái ché nhỏ ra rót rượu, hay lấy miếng nem khô làm mồi. Ngoài rượu, thuốc lá là bạn của tôi từ sau tai nạn xe hơi khủng khiếp.
- Cơ duyên nào đưa chị đến với ca hát? Bài hát Mùa thu lá bay gắn liền với tên tuổi chị, được thể hiện trong hoàn cảnh nào?
Năm 1975, có một số người Việt Nam sang Mỹ sinh sống. Họ gặp rất nhiều khó khăn, không có nhà ở. Tôi mời 22 người về nhà tôi ở. Tôi không lấy tiền trọ mà chỉ cần chung tiền lại mua gạo ăn là được. Mỗi ngày, tôi chở họ đi làm thủ tục giấy tờ, xin tiền trợ cấp, chở họ đi học. Trong số người ở nhà tôi, có người thuộc một ban nhạc ở Việt Nam, mấy ông nhớ nhà nên thường dùng miệng giả tiếng nhạc cụ. Thấy vậy, tôi đi mướn nhạc cụ về cho họ chơi. Sau đó, khi nhóm được biểu diễn ở các phòng trà, họ mời tôi làm ca sỹ hát chính.
Năm 1982, tôi nhận được thư: “Ba rất nhớ giọng nói của con, con thu âm lại cho ba nghe, thu cả giọng cháu ngoại nữa”. Đọc thư xong, tôi có linh cảm ba tôi đang bệnh nặng. Tim tôi co thắt. Tôi liền đi thu một băng cassette với 11 bài hát cả lời Việt lẫn lời Hoa gửi về Việt Nam. Lúc cuốn băng về đến nơi ba tôi đã mất ba ngày trước đó. Mọi người mở cuốn băng cho ba nghe. Sau đó, tôi có gửi cho bạn bè một số cuốn băng để tặng, như một sự chia sẻ. Nào ngờ, người nọ chia sẻ người kia, họ gọi cho tôi và mua băng. Sự nghiệp ca hát của tôi bắt đầu từ đó.
- Cuộc đời luôn đẩy chị vào những tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhưng sao chị vẫn giữ được sự lạc quan đến vậy?
Tôi luôn tâm niệm, đem chuyện buồn cưu mang vào người để làm gì. Mình để ý người ta nói mình câu này câu nọ để làm gì, cứ cho đó là câu dạy dỗ đi. Mình sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Tôi luôn lạc quan vì tự tin và tự hào, ba thương mình nhất trên đời này, ông là người cho tôi niềm tin. Mỗi cơn bĩ cực ập đến rồi lại ra đi, nhưng giọng hát tôi còn mãi không thay đổi. Những lúc nguy cấp nhất, tôi vẫn tự nhủ, dù thế nào cũng phải sống để mà hát. Cảm ơn chị vì những chia sẻ.
- Chúc chị ngày càng thành công và hạnh phúc!
NGỌC LÀI
Xem thêm video Giải trí:
[mecloud]EOZnhmVew1[/mecloud]