Thông tin trên VnExpress, mới đây, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) với tổng số tiền 245 triệu đồng.
Theo đó, từ ngày 23/6/2022 - 28/10/2022, ông Phương đã mua hơn 3,1 triệu cổ phiếu SJC của Công ty Sông Đà 1.01, qua đó tăng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 45,5%.
Đến ngày 23/12/2022, ông thực hiện mua 100.000 cổ phiếu SJC và bán ra 21.800 đơn vị, nâng sở hữu tại thời điểm đó từ 24,69% lên 25,81%. Cả 2 lần giao dịch, ông Phương đều không đăng ký chào mua công khai.
Theo quy định trong Luật Chứng khoán, việc chào mua công khai phải được thực hiện khi mua cổ phiếu dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt từ 25% vốn của công ty đại chúng. Đồng thời việc chào mua công khai phải tiếp tục thực hiện nếu mua cổ phiếu dự kiến đạt hoặc vượt mức 35%, 45%, 55%, 65%, 75% vốn.
Với lỗi vi phạm này, ca sĩ Khánh Phương bị phạt 150 triệu đồng, buộc phải từ bỏ quyền biểu quyết trên số cổ phần từ hành vi vi phạm. Đồng thời, cổ đông lớn của SJC bị buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ xuống dưới mức phải chào mua công khai (dưới ngưỡng 25%) trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày 26/6.
Ngoài ra, ông Phương bị phạt thêm 95 triệu đồng do không báo cáo HNX khi trở thành cổ đông lớn của SJC ngày 14/10/2022 và nhiều lần giao dịch cổ phiếu SJC làm thay đổi sở hữu vượt ngưỡng 1% nhưng không công bố thông tin.
Khánh Phương sinh năm 1981 tại TP.HCM. Ông là người lập ra nhóm MP5. Sau khi nhóm tan rã hồi năm 2006, ông bắt đầu sự nghiệp solo. Thập niên 2000, ca sĩ Khánh Phương là cái tên ăn khách với các bản hit như Chiếc khăn gió ấm, Mưa thủy tinh, Lặng yêu...
Cuối năm 2022, Khánh Phương được chú ý khi bất ngờ trở thành cổ đông lớn tại Sông Đà 1.01 sau mua hơn 45% cổ phần công ty này. Liên tục từ tháng 10 đến tháng 12/2022, ca sĩ này mua vào - bán ra nhiều lần cổ phiếu SJC.
Tại đại hội cổ đông bất thường cuối năm ngoái, ông Phương là một trong 5 người được bầu vào HĐQT Công ty Sông Đà 1.01.
Theo tờ Nhịp sống thị trường, Sông Đà 1.01 thành lập vào năm 2003, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, kinh doanh bất động sản. Một số dự án do SJC làm chủ đầu tư có thể kể đến như chung cư cao cấp Vinafor, Eco Green Tower, Hemisco Xala và tòa nhà CT1 Văn Khê... Công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) từ năm 2007 nhưng đến giữa năm 2021 đã bị hủy niêm yết do vi phạm chậm nộp Báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp từ 2018 – 2020 và buộc phải xuống sàn UpCOM.
Kết quả kinh doanh của công ty cũng diễn biến thất thường từ năm 2013 đến nay, chủ yếu là thua lỗ. Trong 10 năm qua, doanh nghiệp này lãi 6 năm nhưng chỉ quanh vài tỷ đồng, có năm chỉ lãi vài chục triệu đồng. Năm gần nhất, SJC ghi nhận doanh thu gần 6,8 tỷ đồng nhưng lỗ ròng tới hơn 5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ khi giao dịch trên UPCoM vào ngày 2/7/2021 với thị giá 1.400 đồng/đơn vị, bất chấp kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu SJC đã tăng dựng đứng.
Từ mức giá 2.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 8/2022 tăng lên vùng 18.000 đồng/cổ phiếu tại cuối năm 2022, tương đương mức tăng ròng gần 13 lần. Trong phiên giao dịch gần nhất, SJC tăng trần lên 15.700 đồng/cổ phiếu.
Vân Anh (T/h)