Lãi lớn năm 2022
CTCP Tập đoàn C.E.O (C.E.O Group; CMK: CEO) vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022.
Theo đó, tổng tài sản của C.E.O Group tại thời điểm 31/12/2022 ở mức 7.060 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong cơ cấu tài sản của của C.E.O Group, tài sản ngắn hạn ở mức 3.661 tỷ đồng và tài sản dài hạn ở mức 3.399 tỷ đồng.
Một tín hiệu tích cực là nợ phải trả của C.E.O Group tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2022 giảm nhẹ về mốc 3.341 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm đến 2.426 tỷ đồng.
Trong 3 tháng cuối năm, dù thị trường bất động sản gặp khó khăn nhưng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của C.E.O Group tăng vọt lên 1.496 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung lũy kế từ đầu năm 2022, C.E.O Group đạt tổng doanh thu lên đến 2.548 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2021.
Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàn trong quý IV/2022 của C.E.O Group cũng tăng lên 198 tỷ đồng, trong ky cùng kỳ con số này chỉ ở mức 27 tỷ đồng.
Những chỉ số này đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh 3 tháng cuối năm 2022 của doanh nghiệp bất động sản này.
Cụ thể, dù tiết giảm được chi phí tài chính chỉ còn 35 tỷ đồng (giảm 30%) và chi phí quản lý ở mức 37 tỷ đồng (giảm 24%) nhưng lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 của CEO chỉ đạt gần 282 tỷ đồng (giảm 2,4%), đồng thời lợi nhuận sau thuế đạt 199 tỷ đồng.
Theo giải trình từ C.E.O Group, tổng doanh thu và thu nhập của công ty này trong quý IV/2022 đạt 725,726 tỷ đồng (tương ứng 91,08%), trong khi tổng chi phí lại tăng thêm 733,48 tỷ đồng (tương ứng 144,65%) là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận sau thuế trong 3 tháng cuối năm giảm 106,536 tỷ đồng (tương đương 34,84%).
Tuy nhiên, tính chung lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của CEO đạt 2.549 tỷ đồng, tăng 2,8 lần; lợi nhuận gộp đạt 912 tỷ đồng, tăng 7,8 lần so với năm trước. Kết thúc năm tài chính 2022, C.E.O Group đạt lợi nhuận trước thuế 473 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng, tăng 3,8 lần so với năm trước.
Những khoản nợ trăm tỷ
Theo tìm hiểu của PV, 2022 là năm có lợi nhuận sau thuế lớn thứ 3 trong lịch sử kinh doanh của của C.E.O Group, xếp sau các năm 2018 và 2017.
Về vay nợ, tính đến ngày 31/12/2022, C.E.O Group đang có những khoản nợ lớn tại một số ngân hàng. Cụ thể, với khoản vay ngắn hạn với tổng số tiền 747 tỷ đồng, C.E.O Group vay của ngân hàng BIDV khoản vay 597 tỷ đồng, khoản vay của ngân hàng Vietinbank – chi nhánh thành an trị giá 134 tỷ đồng và khoản vay khác trị giá 15 tỷ đồng.
Với khoản vay dài hạn với tổng trị giá 417 tỷ đồng, C.E.O Group vay của ngân hàng BIDV trị giá 198 tỷ đồng và khoản trái phiếu với giá trị 219 tỷ đồng mà công ty này phát hành.
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, tài sản dở dang dài hạn của CEO tính đến 31/12/2022 là hơn 1.210 tỷ đồng tại các dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City (hơn 1.135 tỷ đồng), Dự án khu du lịch Green Hotel & Resort (gần 54 tỷ đồng) và các dự án khác (hơn 20 tỷ đồng).
Đáng chú ý nhất là dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng 5 sao Sonasea Vân Đồn Harbor City với tổng diện tích lên tới 358,3ha, trải dài trên 2,2km đường bờ biển Bãi Dài. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng.
Dự án gồm 3 phân khu, trong đó phân khu 1 là tổ hợp nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, bao gồm khu resort (biệt thự nghỉ dưỡng, condotel), tổ hợp các công trình giải trí, hội nghị, hội thảo được xây dựng trên diện tích 150ha.
Phân khu 2 là khu đô thị thương mại hỗn hợp, bao gồm các khu nhà phố thương mại, khu nhà hỗn hợp và khu biệt thự để ở trên đồi, được xây dựng trên tổng diện tích 59,4ha. Phân khu 3 là phân khu để xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên rừng, đảo ven biển và bãi tắm trải dài hơn 1km, được quy hoạch trên tổng diện tích 100ha.
Tuy nhiên, tháng 11/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định về việc thu hồi, hủy bỏ chủ trương dự án khu tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - phân khu 2, tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn.
Nhân Văn