+Aa-
    Zalo

    Buôn thực phẩm bẩn: Không tinh vi nhưng khó nắm bắt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Những kẻ buôn bán thực phẩm bẩn không có quá nhiều hình thức tinh vi để che giấu việc làm của mình, nhưng phải bắt được tận tay cơ sở đó đang làm thì sẽ dễ dàng.

    (ĐSPL) – Những kẻ buôn bán thực phẩm bẩn không có quá nhiều hình thức tinh vi để che giấu việc làm của mình, nhưng phải bắt được tận tay cơ sở đó đang làm thì sẽ dễ dàng xử lý.

    Thực phẩm bẩn đang giết dần người tiêu dùng

    Từ lòng heo thối, gà bơm nước, măng ngâm hóa chất, tôm sú bơm tạp chất… hay vụ gần đây nhất là một cơ sở tại thị xã Thuận An (Bình Dương) bị phát hiện là dùng chất độc gây chết người để làm chuối chín và tạo độ cứng cho quả.

    Tất cả cho thấy các lái thương, các cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn, vì lợi nhuận mà đang có hành vi kinh doanh thiếu đạo đức, bất chấp tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng…

    Tại buổi Hội nghị toàn quốc về quản lý chất lượng nông lâm sản tại Hà Nội ngày 5/11 vừa qua, bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát cũng đã phải thốt lên rằng: "Tôi lạnh cả xương sống khi biết hộ dân ở Bình Dương làm chuối chín bằng chất diệt cỏ.".

    "Đây không phải là vi phạm mà là tội ác. Không thể tưởng tượng được có người lại đang tâm làm như vậy. Nếu đứa trẻ mới sinh ra ăn phải miếng thịt hay nải chuối độc thì sẽ ra sao", Bộ trưởng cho hay.

    Rất nhiều người vì lợi nhuận bản thân mà "vô tình" đầu độc chính đồng loại của mình.

    Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu xảy ra khoảng 40 triệu vụ ngộ độc. Một nửa số ca tử vong trên thế giới có liên quan tới lương thực, thực phẩm.

    Số liệu của cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) - Bộ Y tế năm 2014 cũng đã cho thấy, cả nước có 5.541 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 43 trường hợp bị tử vong. Tính trung bình, cứ hai người bị ngộ độc thực phẩm thì có một người bị đau bụng, nhức đầu, nôn mửa do ăn phải thức ăn kém chất lượng.

    Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhanh chóng, nhưng khối lượng thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường vẫn là một con số không nhỏ. Không chỉ xuất hiện ở hàng quán vỉa hè, thực phẩm bẩn còn len vào vào bữa cơm gia đình và cả trên bàn tiệc ở các nhà hàng cao cấp.

    Không tinh vi nhưng phải bắt tận tay

    Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Hoài Nam - Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 15 cho biết, có nhiều cách để phát hiện ra những cơ sở thực phẩm bẩn. Cách nhanh nhất để biết đó chính là từ những phản ánh của người dân. Hoặc những thông tin cơ quan chức năng nắm bắt được từ những chợ đầu mối, những cơ sở chế biến… rồi tiến hành xác minh kiểm tra, xử lý.

    Theo ông Nam, những thực phẩm từ bên Trung Quốc tuồn về Việt Nam như nội tạng động vật, chân gà… thường sử dụng những chất bảo quản không có trong danh mục bảo quản thực phẩm để giữ cho thực phẩm được lâu.

    “Nếu như mình không kiểm soát và ngăn chặn kịp thời thì số thực phẩm đó sẽ đến tay người tiêu dùng, họ sẽ phải sử dụng những loại thực phẩm nhiễm độc trong bữa ăn hàng ngày của mình”, ông Nam chia sẻ.

    Theo ông Nam, chúng ta cần lên án những việc làm này bởi nó ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng. Ngoài ra, chính những sự việc này còn làm ảnh hưởng đến những người làm ăn uy tín, tử tế, lợi nhuận làm ra sẽ ít và chịu nhiều thiệt thòi do định kiến của người tiêu dùng là sẽ không bao giờ có đồ ăn sạch…

    Những kẻ buôn hàng giả, hàng kém chất lượng thường ngụy trang để trốn tránh cơ quan chức năng. Ví dụ, khi vào đến nội địa thì trà trộn với những mặt hàng chất lượng còn tốt, cũng không ngoại trừ khả năng chính những cửa hàng, những cơ sở nấu ăn cho sinh viên thông đồng với những kẻ này để lấy thực phẩm nấu ăn.

    Một lãnh đạo của Đội QLTT số 5, TP Hà Nội cũng cho biết, tuy những chủ cơ sở làm thực phẩm bẩn không nhiều chiêu trò nhưng khó để thể xác định được độ tinh vi của những cơ sở làm thực phẩm bẩn. Bởi, khi kiểm tra tất cả phải qua giám định để xác định được việc họ đã sử dụng những loại hóa chất gì để biến những thực phẩm ôi thiu, bốc mùi để hô biến thành những loại thức ăn hấp dẫn như vậy.

    “Trừ khi chúng ta bắt quả tang tại chỗ việc họ đang bơm, tiêm hoặc ngâm những loại thực phẩm đó thì được, còn sau khi họ đóng cửa và hô biến thực phẩm xong rồi, mang đi tiêu thụ thì mắt thường chúng ta không thể xác định được đâu là thực phẩm bẩn…”, vị này cho hay.

    KIỀU LINH

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/buon-thuc-pham-ban-khong-tinh-vi-nhung-kho-nam-bat-a118754.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.