Dù chưa nhận được nhà nhưng hàng tháng người dân vẫn phải trả lãi và gốc cho ngân hàng, mất lòng tin vào chủ đầu tư, gánh nặng kinh tế khiến người dân tiếp tục căng băng rôn kêu cứu trước trụ sở BIDV.
BIDV phải có trách nhiệm với cư dân
12h30 trưa 21/4, giữa thời tiết nắng nóng đầu hè rất đông cư dân mua nhà ở dự án Bright city (công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư) tập trung tại trường Đào tạo cán bộ BIDV (773 Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nơi diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của BIDV nhằm gây sức ép với ngân hàng.
12h30 đã có rất đông cư dân tập trung trước trụ sở BIDV kêu cứu.
Được biết, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV chi nhánh Tây Hà Nội là đơn vị tài trợ vốn xây dựng dự án Bright city theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Nhà nước. Theo đó, người mua nhà phải nộp tiền trực tiếp tại ngân hàng và ngân hàng sẽ giải ngân theo tiến độ xây dựng của nhà thầu. Về nguyên tắc, ngân hàng phải là người giám sát, kiểm tra tiến độ xây dựng cũng như dòng tiền đổ vào dự án. Tuy nhiên, mặc dù người mua nhà tại dự án đã đóng tới 70% giá trị căn hộ và đã quá thời hạn bàn giao nhà nhưng đến nay công trình vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Trước sự bức xúc của hàng trăm cư dân tập trung tại nơi diễn ra Đại hội cổ đông, ông Lê Trung Thành, Phó Tổng giám đốc BIDV phải mời cư dân vào hội trường làm việc.
Tại cuộc họp, đại diện cư dân bày tỏ sự tin tưởng đặt niềm tin ở BIDV trước khi quyết định mua nhà, đồng thời thể hiện mong muốn BIDV phải miễn, giảm lãi cho người dân cho đến khi họ nhận được nhà. Vì theo cư dân, thực tế, dự án chưa hoàn thành, tài sản thế chấp ngân hàng là căn nhà hình thành trong tương lai họ chưa có, họ không thể an cư lạc nghiệp, kéo theo nhiều khó khăn đè nặng lên người dân. Bên cạnh đó, cư dân cũng trình bày băn khoăn về việc liệu trách nhiệm của BIDV ở đâu khi dự án chậm tiến độ bàn giao nhà?
Cư dân cũng đặt ra câu hỏi rằng, chủ đầu tư và BIDV phải thống nhất đưa ra phương án cũng như lộ trình cụ thể về việc có xây tiếp hay dừng dự án? Nếu không xây tiếp thì động thái của BIDV là gì? Và nếu xây tiếp thì BIDV có đảm bảo cam kết bảo lãnh hoàn thành dự án đúng tiến độ hay không?
Phản hồi kiến nghị của cư dân, ông Thành cho biết, ông vừa được nghe báo cáo về sự việc, đồng thời ghi nhận và đồng tình ý kiến của người dân, cũng như hứa sẽ sớm cho thanh tra, soát xét lại quy trình làm việc tại chi nhánh BIDV Tây Hà Nội. Sau khi trình các cấp có thẩm quyền BIDV sẽ có câu trả lời sớm nhất cho người dân.
Quan điểm của ông Thành là, BIDV rất có trách nhiệm trong việc hỗ trợ tối đa cho người dân, sau khi thanh kiểm tra nếu có sai phạm, không trung thực sẽ xử lý nghiêm. Đồng thời sẽ xem xét về vấn đề miễn giảm lãi cho bà con.
Mòn mỏi hy vọng…
Trước đó, sáng 19/4 cuộc họp bất thường, chóng vánh giữa chủ đầu tư, BIDV và cư dân được diễn ra tại BIDV Tây Hà Nội. Tại cuộc họp chủ đầu tư đưa ra phương án là sẽ dồn tiềm lực hiện có tiếp tục xây tòa A1.1 và tòa A1.2 để người dân có chỗ ở.
Sau khi hoàn thành hai tòa này thu hồi vốn sẽ tiếp tục xây A2 và A3. Tuy nhiên, cư dân đã phản đối phương án này. Vì theo họ, như vậy đồng nghĩa với việc chủ đầu tư đang đuổi những người mua nhà ở tòa A2 ra đường và bản thân gia đình họ cũng không thể yên tâm khi sống chung trong một công trường ngổn ngang vôi vữa, bụi bặm.
Nhiều em nhỏ ngày nghỉ nên phải theo bố mẹ mệt lả vì đói, say nắng.
Mặc dù, chủ đầu tư đã có động thái tái khởi động dự án, tuy nhiên, cư dân lại thể hiện sự thiếu tin tưởng đối với chủ đầu tư, bởi dự án từ khi khởi công đến nay đã gần 10 năm và sau bao lần hứa hẹn nhưng người dân đều thất vọng. Cũng như gần đây, chủ đầu tư có tuyên bố thanh lý hợp đồng với lý do bất khả kháng… rồi lại bỗng dưng đột ngột thông báo xây lại.
Bên cạnh đó, cam kết mới nhất mà BIDV đưa ra ngày 21/4 là luôn đồng hành cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, và tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư huy động vốn để cùng ngân hàng hoàn thành dự án giúp người dân sớm có nhà. Tuy nhiên, mong muốn giải quyết khó khăn trước mắt của người dân là họ phải được miễn giảm lãi suất và ngừng đóng gốc cho tới khi nhận được nhà thì chưa nhận được sự đồng ý từ BIDV.
Vậy quyết định cuối cùng như thế nào sẽ được thông báo tại cuộc họp 4 bên giữa chủ đầu tư, BIDV, UBND huyện Hoài Đức và khách hàng tại trụ sở UBND huyện Hoài Đức vào ngày 26 tới.
Chính sách nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ mang tính nhân văn cao cả. Tuy nhiên, thực tế việc chủ đầu tư thiếu năng lực, làm sai đang dẫn đến hệ luỵ hàng nghìn người thu nhập thấp rơi vào cảnh lao đao.
Nhiều bà bầu dự trữ lương thực "trực chiến" cũng bơ phờ vì mệt.
Như báo Người Đưa Tin đã thông tin, hiện hơn 500 cư dân Bright city, với hơn 1.500 con người đang rơi vào đường cùng vì những khó khăn hiện hữu. Đặc biệt, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, cũng như ngân hàng BIDV chưa có động thái tích cực giúp đỡ cư dân khiến nhiều người mất ăn mất ngủ, mất cả việc làm vì chạy theo… đòi nhà. Không biết bao nhiêu cuộc kêu cứu như thế này đã diễn ra cũng như rất nhiều đơn thư đã gửi đến các cơ quan ban ngành, tuy nhiên, người dân Bright city vẫn mòn mỏi hy vọng chờ đợi một phép màu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin…
Quỳnh Nga/Nguoiduatin