Dù đã đóng 70% vốn vào dự án, đến ngày bàn giao nhà thì chủ đầu tư lại tuyên bố thanh lý hợp đồng khiến cư dân Bright city bức xúc và “tố” chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.
Chủ đầu tư thiếu trung thực, lừa đảo khách hàng
Dự án nhà ở xã hội Bright City (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư được khởi công từ tháng 11/2014, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành vào tháng 12/2017. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thi công, dự án rất nhiều lần chậm tiến độ và hiện tại đã hết hạn chót phải bàn giao nhà, chủ đầu tư lại tuyên bố thanh lý hợp đồng khiến hàng nghìn cư dân bức xúc.
Để trấn an khách hàng, mới đây chủ đầu tư có gửi thông báo mời từng hộ cư dân lên làm việc để tìm ra hướng giải quyết. Phản đối cách làm việc kéo dài thời gian và thiếu nhất quán, ngày 4/4, cư dân tiếp tục “quây kín” trụ sở công ty Bánh kẹo Thăng Long với mục đích không đồng ý với phương án thanh lý hợp đồng.
Trong buổi làm việc này, đại diện công ty là ông Phùng Xuân Hoàng, Trưởng phòng Kinh doanh đã trả lời trước cư dân: “Nếu không thanh lý sẽ không nhận được nhà” khiến người dân càng thêm bức xúc.
Cư dân tố công ty AZ Thăng Long lừa đảo người mua nhà. |
Anh Phạm Trung Đào, một cư dân mua nhà tại dự án Bright city cho biết: “Nếu ký vào biên bản thanh lý hợp đồng chúng tôi sẽ nhận được 50 triệu đồng. Vậy số tiền còn lại ai đảm bảo chúng tôi sẽ nhận lại được? Bởi rất nhiều nạn nhân từ những dự án trước của công ty sau khi ký thanh lý đến nay đã 4-5 năm họ vẫn chưa nhận được tiền.
Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu ông Bùi Viết Sơn phải đối chất làm việc nhưng chủ đầu tư không hợp tác, có thái độ trốn tránh trách nhiệm. Như vậy có nghĩa là chủ đầu tư đã lừa đảo và muốn “đá” chúng tôi ra ngoài đường”.
Ngoài ra, theo phản ánh của cư dân, chủ đầu tư còn thiếu trung thực trong việc báo cáo sai tiến độ hoàn thiện dự án với UBND huyện Hoài Đức so với hợp đồng mua bán mà chủ đầu tư đã ký với cư dân. Cụ thể, tòa A2 theo báo cáo bàn giao từ quý III/2018 – quý III/2019 nhưng trong hợp đồng ký với khách hàng thì thời hạn bàn giao nhà là quý III/2017 –quý I/2018. Tương tự, tòa A1.1 dự kiến bàn giao từ quý IV/2017- quý IV/2018 nhưng hợp đồng ký với khách hàng là quý IV/2017 – quý I/2018…
Trong cuộc họp với cư dân ngày 10/4, ông Nguyễn Hoàng Trường – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, sau khi nghe phản ánh của cư dân ông cảm thấy rất bất ngờ về những việc làm của chủ đầu tư mà trong báo cáo không hề có.
Lý giải nguyên nhân chậm bàn giao căn hộ, Chủ tịch HĐQT AZ Land cho biết do gói 30.000 tỷ kết thúc đột ngột phải vay lãi suất cao và dự án chưa bán được nhiều nên chủ đầu tư không còn vốn để tiếp tục triển khai dự án. Căn cứ vào báo cáo về thời gian bàn giao nhà của chủ đầu tư đưa ra, UBND nhận thấy "chưa có gì lo ngại" nên chỉ đốc thúc tiến độ với chủ đầu tư.
Phản hồi lại thông tin này, đại diện cư dân Bright city cho biết, chủ đầu tư không có thông báo mới về lộ trình bàn giao nhà cho người dân nhưng lại có báo cáo cụ thể cho UBND huyện, chưa nói đến việc thời gian bàn giao nhà này hoàn toàn sai lệch với hợp đồng mua bán đã ký với khách hàng.
Về phía ngân hàng cấp vốn theo gói 30.000 tỷ cho dự án, ngày 17/4, đại diện cư dân Bright City đã có buổi làm việc với BIDV Tây Hà Nội. Cư dân bày tỏ mong muốn được BIDV miễn lãi và không thu hồi nợ gốc hàng tháng, trong thời gian dự án dừng thi công cho đến khi nhận được nhà. Tuy nhiên, BIDV không đồng ý với phương án của cư dân.
Có thể khởi tố vụ án
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Lê Văn Thiệp (văn phòng Luật sư Toàn Cầu, đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Trong vụ việc này có thể thấy, đây là chính sách, chủ trương đúng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư không xây dựng được nhà, trong khi đó chủ đầu tư đã nhận được toàn bộ khoản tiền được hình thành trên hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Như vậy có thể thấy rằng, chủ đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng theo pháp luật. Quan điểm cá nhân tôi là có thể khởi tố vụ án trong trường hợp này để xử lý hình sự những người liên quan”.
Luật sư Thiệp cho biết thêm: “Câu chuyện đặt ra ở đây là trách nhiệm của ngân hàng đến đâu? Theo quy định, ngân hàng phải thực hiện các quyền của mình là thẩm định toàn bộ hồ sơ, quá trình hình thành dự án từ ban đầu, giám sát dòng tiền sau giải ngân để kiểm soát số tiền đó được dùng đúng mục đích hay không? Các cư dân không có nghĩa vụ phải thực hiện việc này.
Ở đây có thể thấy rằng chủ trương, chính sách bị lợi dụng. Cả ngân hàng và chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm chính”.
Ngày 9/4, Văn phòng Chính phủ, sở Xây dựng, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng làm việc với các bên liên quan và báo cáo sự việc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng cũng như phương án giải quyết.
Đáng nói, đây là dự án nhà ở xã hội có sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước, hỗ trợ vốn của ngân hàng và các đối tượng mua cũng là đối tượng đặc biệt. Nhưng thực tế lại đi ngược lại với chính sách. Bởi đến nay, hàng nghìn người dân thu nhập thấp vừa không nhận được nhà, mà vẫn phải trả gốc, lãi cho ngân hàng, tiền thuê nhà… khi gánh nặng cơm áo gạo tiền hàng ngày, hàng giờ vẫn oằn trên lưng họ.
Quỳnh Nga/ Người Đưa Tin