+Aa-
    Zalo

    Bức tranh toàn cảnh về sức khỏe của thế giới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tuần trước, tạp chí The Lancet đã công bố một báo cáo toàn diện về tình trạng sức khỏe của thế giới. Đây là nỗ lực của 1.870 chuyên gia đến từ 127 nước nhằm đánh giá

    Tuần trước, tạp chí The Lancet đã công bố một báo cáo toàn diện về tình trạng sức khỏe của thế giới. Đây là nỗ lực của 1.870 chuyên gia đến từ 127 nước nhằm đánh giá Gánh nặng Bệnh tật, chấn thương, và yếu tố nguy cơ toàn cầu năm 2015.

    Sức khỏe toàn cầu đang được giám sát chặt chẽ.

    Được thiết kế nhằm mục đích thông tin cho các nhà lãnh đạo và các tổ chức phi chính phủ (NGO) toàn thế giới về tình trạng sức khỏe toàn cầu, báo cáo bao hàm rất nhiều chủ đề với dữ liệu từ 1990-2015.

    Báo cáo đã thu thập thông tin về 249 nguyên nhân tử vong, 315 loại chấn thương và bệnh tật, và 79 yếu tố nguy cơ ở 195 quốc gia.

    Một số thông số sức khỏe đã cho thấy có sự cải thiện, chẳng hạn như tuổi thọ, trong khi một số khác không được tiến bộ như vậy, bao gồm chế độ ăn và béo phì.

    Từ năm 1980, tuổi thọ của người dân trên thế giới đã tăng thêm hơn 10 năm. Dự kiến nam giới có thể đạt tuổi thọ trung bình 69 tuổi và phụ nữ là 74,8 tuổi.

    Yếu tố lớn nhất trong sự tiến bộ này là giảm tử vong do các bệnh truyền nhiễm - cụ thể là HIV/AIDS (giảm 33,5% kể từ năm 2005), sốt rét (giảm 37% kể từ năm 2005), và tiêu chảy. Ung thư và các bệnh liên quan đến tim mạch cũng giảm với mức độ ít hơn.

    Đau đầu, sâu răng, giảm thính lực và thị lực - những bệnh chính

    Kể từ năm 1990, nguyên nhân chính gây giảm sút sức khỏe – được đánh giá bằng số năm sống tàn phế (YLD) - vẫn tương đối ổn định.

    Đau lưng và đau vai gáy, giảm thính lực và thị lực, rối loạn trầm cảm, và thiếu máu là những nguyên nhân chính gây giảm sút sức khỏe năm 2015.

    Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy có 8 bệnh mạn tính ảnh hưởng đến hơn 1/10 số người trên trái đất:

    • Sâu răng: 2,3 tỷ người

    • Đâu đầu căng thẳng: 1,5 tỷ người

    • Thiếu máu thiếu sắt: 1,47 tỷ

    • Giảm thính lực: 1,2 tỷ

    • Đau nửa đầu: 959 triệu

    • Herpes sinh dục: 846.000.000

    • Các vấn đề về khúc xạ ở mắt: 819 triệu

    • Giun đũa: 762 triệu.

    Một nhận xét tích cực là 14 bệnh mạn tính đã giảm tỷ lệ nhiễm đến mức mà bất chấp dân số tăng, số người mắc bệnh thực sự đã giảm. Những bệnh này bao gồm hen, ung thư cổ tử cung, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), và bệnh tim thiếu máu cục bộ.

    Người bệnh đang sống lâu hơn

    Như đã nói ở trên, từ 1990-2015, tuổi thọ trung bình đã tăng hơn một thập kỷ (10,1 năm). Tuy nhiên, tuổi thọ khỏe mạnh chỉ tăng 6,1 năm.

    Hiện đã có một sự thay đổi trong gánh nặng bệnh tật, được đánh giá bằng số năm sống đã hiệu chỉnh tàn phế (DALYs) - hay nói cách khác là số năm bị mất do chết sớm và tàn phế.

    Thay vì các bệnh lây, sơ sinh, người mẹ, và suy dinh dưỡng (như bệnh sởi và HIV/AIDS), trọng tâm đã chuyển sang các bệnh không lây gây tàn phế, như sử dụng ma túy và thoái hóa khớp.

    Nước không an toàn, vệ sinh môi trường, chế độ ăn và sử dụng ma túy

    Tử vong liên quan đến BMI cao đang gia tăng

    Trong năm 2015, những yếu tố nguy cơ hàng đầu thế giới gây chết sớm là hút thuốc lá, huyết áp cao, đường huyết cao, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, và suy dinh dưỡng ở trẻ em.

    Kể từ năm 1990, đã có sự gia tăng đặc biệt nhanh chóng về tử vong liên quan đến chỉ số BMI cao, chất gây ung thư nghề nghiệp, sử dụng ma túy, ô nhiễm ôzôn, và đường huyết cao.

    Những nguy cơ về ăn uống chiếm hơn 10% bệnh tật trên toàn thế giới; những nguy cơ này bao gồm chế độ ăn nhiều muối và ít rau, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, các loại hạt, và hải sản.

    Ảnh hưởng của cholesterol cao, ô nhiễm không khí, và rượu hầu như không thay đổi trong khung thời gian này.

    Ngoài những cải thiện có liên quan, những nguy cơ có thể phòng ngừa như tiếp xúc với khói thuốc là (giảm hơn một phần tư), vệ sinh và nước không an toàn, ô nhiễm không khí hộ gia đình đều đã được cải thiện, mặc dù chúng vẫn là nguyên nhân quan trọng gây sức khỏe kém.

    Mặc dù tỷ lệ tử vong đã giảm, hút thuốc lá vẫn là yếu tố hàng đầu gây ra sức khỏe kém ở Anh và Mỹ.

    Mang thai và sinh đẻ

    Từ năm 1990, tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn thế giới đã giảm gần một phần ba, từ 282 trường hợp tử vong trên 100.000 xuống còn 196 trên 100.000. Tuy nhiên, năm 2015, đã có hơn 275.000 phụ nữ chết trong khi sinh, chủ yếu là do các nguyên nhân có thể phòng ngừa.

    Nhìn chung, tỷ lệ tử vong mẹ ở 24 nước đã xấu đi kể từ năm 2000. Một số những nước này bị ảnh hưởng bởi xung đột – ví dụ Afghanistan và Palestine. Một số nước khác tỷ lệ tử vong mẹ tăng có lẽ gây nhiều ngạc nhiên hơn, bao gồm Hy Lạp, Luxembourg, và Mỹ.

    Ở các nước nghèo, tử vong mẹ hay gặp nhất là do xuất huyết; ở các nước giàu, tử vong thường do huyết khối, bệnh tim, và các biến chứng do bệnh không lây gây ra.

    Tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi

    Năm 1990, có 12,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đã chết. Trong năm 2015, con số này đã giảm hơn một nửa xuống còn 5,8 triệu. Ngoài ra, khoảng cách giữa các nước có mức độ nguy cơ thấp nhất và cao nhất đối với trẻ dưới 5 tuổi đã được thu hẹp. Những kết quả tích cực này chủ yếu là do thành công trong việc điều trị và đối phó với bệnh sốt rét, tiêu chảy, và sởi.

    Tử vong sơ sinh (tử vong trong tháng đầu tiên sau khi sinh) xứng đáng được quan tâm đặc biệt. Số ca tử vong ở lứa tuổi này đang giảm, nhưng không nhanh chóng như tử vong dưới 5 tuổi. Tử vong sơ sinh chiếm gần một nửa số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi – tổng cộng có 2,6 triệu trường hợp.

    Những nước xếp hạng thấp nhất trong mục tử vong sơ sinh là:

    • Mali: 40,6/1000

    • Cộng hòa Trung Phi: 40,2/1000

    • Pakistan: 37,9/1.000.

    Cẩm Tú

    Nguồn: Dân Trí

    Xem thêm video:

    [mecloud]tIl57FDgXK[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/buc-tranh-toan-canh-ve-suc-khoe-cua-the-gioi-a165344.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan