+Aa-
    Zalo

    Bữa cơm nặng nghĩa tình thầy trò

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều thầy giáo, cô giáo vùng cao, vùng sâu đã dành một phần tiền lương của mình nấu những bữa cơm trưa cho các học sinh nghèo xa nhà.

    Thương học trò nghèo phải đi học xa nhà, nhiều thầy giáo, cô giáo vùng cao, vùng sâu đã dành một phần tiền lương của mình nấu những bữa cơm trưa để các em không phải nhịn đói hoặc bỏ học giữa chừng.

    Là Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Ðồng, thuộc xã Ia Tul, một xã vùng sâu của huyện nghèo Ia Pa (Gia Lai), phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, thầy giáo Trần Ðăng Khoa luôn trăn trở trước tình trạng học sinh thường xuyên bỏ học. Nhiều em, buổi sáng đi học, buổi chiều bỏ học theo cha mẹ lên rẫy, có khi ở lại rẫy, bỏ luôn cả buổi học ngày hôm sau. Dù các thầy giáo, cô giáo phải thường xuyên vận động các em đến lớp nhưng tỷ lệ học sinh đi học vẫn không cao.

    Bữa cơm trưa miễn phí giúp các em học sinh vùng cao bớt bỏ học. Ảnh: TTXVN

    Ðầu tháng 10-2018, Hiệu trưởng Trần Ðăng Khoa quyết định dành toàn bộ số tiền 100 triệu đồng gia đình tiết kiệm được để thực hiện đề án tổ chức ăn trưa cho học sinh tại Trường tiểu học Kim Ðồng. Mục tiêu của đề án là tất cả học sinh lớp 1, người dân tộc Gia Rai, sẽ ở lại trường ăn trưa để học hai buổi/ngày. Sau bữa ăn, học sinh được bố trí phòng ngủ trưa, buổi chiều học tăng cường Tiếng Việt để các em có thể theo kịp chương trình sách giáo khoa.

    Việc tổ chức ăn bán trú ở trường cũng góp phần duy trì sĩ số học sinh, giảm tình trạng bỏ học. Ðề án của thầy giáo Khoa được cấp trên đồng ý, các thầy giáo, cô giáo, phụ huynh trong trường ủng hộ, tham gia nhiệt tình. Ðể xây dựng bếp ăn, thầy Khoa đã tự bỏ tiền mua các đồ dùng nhà bếp, tận dụng phòng thư viện cũ để làm bếp ăn.

    Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô lại thay nhau đi chợ, nấu cơm, chăm lo bữa ăn trưa cho học sinh. Trung bình, mỗi tháng cần chi 13 triệu đồng để mua lương thực, thực phẩm, thầy Khoa tự nguyện đóng góp 10 triệu đồng trích từ tiền lương hằng tháng, phần còn lại thầy vận động thêm từ bạn bè, người thân, các nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh.

    Bữa cơm thiện nguyện luôn bảo đảm có đủ cơm trắng, rau, thịt, cá. Hiện nay, số tiền đóng góp, ủng hộ từ các nguồn có thể lo đủ bữa cơm trưa cho các em lớp 1 đến hết năm học 2019-2020.

    Từ năm học 2018-2019, các thầy giáo, cô giáo Trường tiểu học thị trấn Ðăk Glei, huyện Ðăk Glei (Kon Tum) đã tình nguyện góp lương thực, thực phẩm, tự nấu những bữa cơm trưa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

    Trường tiểu học thị trấn Ðăk Glei có gần 400 học sinh, trong đó khoảng 60 em ở thôn Long Nang, nhà ở xa trường. Ngày hai buổi đến trường, nhưng vì phải đi bộ khá xa, nhiều em chỉ học buổi sáng, buổi chiều bỏ học.

    Sau nhiều lần đến tận nhà vận động, thuyết phục các em đi học đầy đủ nhưng nhiều em vẫn thường xuyên bỏ học, Ban giám hiệu Trường tiểu học thị trấn Ðăk Glei quyết định tổ chức bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh ở thôn Long Nang. Ðể bếp ăn được duy trì, Ban giám hiệu nhà trường kêu gọi giáo viên trong toàn trường đóng góp.

    Hằng ngày, sau giờ lên lớp, các thầy cô lại cùng nhau nấu cơm, chăm chút bữa ăn trưa cho học sinh. Nhiều phụ huynh dù không có con em ở lại trưa cũng đóng góp tiền, gạo, rau, thịt, trứng, mì tôm, cùng tham gia nấu ăn với các thầy cô, trông coi học sinh buổi trưa cho đến khi các em vào học chiều.

    Bếp ăn thiện nguyện này đã duy trì từ tháng 9/2018 đến nay, mang đến niềm vui cho các em và sự yên tâm của các bậc phụ huynh.Còn gì ấm áp hơn những bữa cơm trưa do chính tay các thầy giáo, cô giáo nấu cho các em. Bữa cơm ấy không chỉ được chắt chiu từ những đồng lương ít ỏi, mà bằng cả tấm lòng yêu thương, đùm bọc, chia sẻ của các thầy cô dành cho học trò.

    Việc làm đó thật đáng trân trọng biết bao!

    Theo Nhân dân điện tử

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bua-com-nang-nghia-tinh-thay-tro-a302054.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan