Irene Goh (44 tuổi, một người thuê nhà ở Singapore) mới đây đã lên mạng xã hội phàn nàn về chủ trọ của mình, người được cho là đã yêu cầu cô bồi thường 1.000 USD (gần 24 triệu đồng) để thay thế chiếc bồn cầu bị hư hỏng.
Được biết, chiếc bồn cầu này đã sử dụng được 20 năm và Irene cho rằng khoản bồi thường nói trên là vô lý. Chia sẻ trong bài đăng lên nhóm Complaint Singapore hôm 6/10, bà mẹ 3 con nói cô sẵn sàng trả một nửa số tiền đó vì chiếc bồn cầu đã bị hao mòn theo thời gian sử dụng.
Trong cuộc phỏng vấn với AsiaOne, Irene tiết lộ các vết nứt trên nắp bồn cầu xuất hiện lần đầu vào tháng 9/2019, một năm sau khi cô chuyển đến căn hộ 4 phòng cho thuê trên đường Yio Chu Kang.
“Chúng tôi chỉ mở nắp bồn cầu khi có vấn đề về xả nước, do đó không có chuyện chúng tôi làm rơi nó. Thời điểm đó, tôi không nghĩ đến việc đổ lỗi cho những người thuê trước đó vì đã gây ra các vết nứt”, người phụ nữ 44 tuổi nói.
Irene thuê căn hộ này với giá 3.000 USD (khoảng 71,6 triệu đồng) một tháng. Khi hợp đồng thuê 4 năm chuẩn bị kết thúc vào tháng 9/2022, trong quá trình bàn giao, chủ trọ được cho là đã thông báo với Irene rằng một nhà thầu tư vấn cần 1.000 USD để thay bồn cầu bị hỏng.
Theo Irene, kết quả tra trên mạng cho thấy một chiếc bồn cầu mới tinh có giá từ 150 USD (khoảng 3,6 triệu đồng) trở lên, song chủ trọ khăng khăng chọn mẫu đã “lỗi thời” giống y như chiếc cũ để thay thế. Cô cảm thấy khoản bồi thường gần 24 triệu đồng là vô lý vì đồ đạc trong phòng tắm đều rất cũ kỹ.
Đối mặt với chủ trọ khó tính, Irene cho biết đã nhờ đại lý bất động sản làm trung gian trong cuộc tranh chấp. “Cô ấy nói rằng sẽ giúp tôi và cũng đồng ý rằng yêu cầu của chủ trọ là không hợp lý”, Irene cho hay.
Ban đầu, Irene tưởng đại lý bất động sản “đứng về phía mình”. Trên thực tế, chính phía đại lý đưa ra mức đề bù 500 USD (gần 12 triệu đồng) cho chủ trọ. Trong khi tiếp nhận nhiều thông tin qua lại về mức tiền bồi thường, người phụ nữ không được biết chuyện chủ nhà gia hạn 2 tuần để xử lý vấn đề trước khi chi phí thay bồn cầu mới tự động trừ vào tiền đặt cọc.
Chỉ một ngày trước thời hạn, đại lý bất động sản đột nhiên nói với Irene rằng không thể giúp cô thương lượng được nữa. Cô cảm thấy như bản thân đã bị lừa và nghĩ rằng phía đại lý đã thông đồng với chủ nhà “câu giờ” để lấy tiền của mình.
“Tôi đã liên hệ với một số nhà thầu và họ nói với tôi rằng tôi có thể thay thể bồn cầu bị hỏng bằng một chiếc mang nhãn hiệu Italy với giá dưới 500 USD”, Irene cho hay.
Trả lời bình luận của một cư dân mạng trên Facebook về việc bồn cầu có thể hàn lại được do các mảnh nứt vẫn còn nguyên, người phụ nữ tiết lộ cô không thể thuê thợ đến làm vì chủ trọ đã hạn chế để cô tiếp cận căn nhà.
Trao đổi với AsiaOne, Isma Seeneevassen đến từ Propnex Limited nói đại lý bất động sản không bắt buộc phải giải quyết tranh chấp giữa người thuê và chủ nhà. “Tôi vẫn sẽ cố gắng tìm một chiếc bồn cầu có giá hợp lý để xoa dịu đôi bên. Nhưng thành thật mà nói, chủ nhà không sai khi yêu cầu cái mới cùng loại với cái bị hỏng”, Isma nói.
Theo Chen (36 tuổi, làm trong ngành bất động sản 14 năm), tranh chấp hao mòn là vấn đề phổ biến giữa người thuê và chủ nhà. Anh từng gặp các trường hợp đòi đền bù do có vết trên sàn nhà, tường bẩn và vết cháy trên bếp. Các tranh chấp như vậy thường được giải quyết khá dễ dàng và thân thiện. Tuy nhiên, Chen cũng gặp phải chủ nhà “vô lý” khi yêu cầu khách thuê đánh vec-ni cho sàn gỗ và sơn lại tường.
“Chúng tôi sẽ giải thích với chủ nhà rằng thật không công bằng khi tính phí những thứ này cho người thuê”, Chen cho hay, đồng thời thừa nhận trong một số trường hợp, người thuê chấp nhận đền bù thiệt hại chỉ để có thể nhanh chóng lấy lại tiền đặt cọc.
Hợp đồng thuê nhà “tiêu chuẩn” thường có điều khoản “sửa chữa các nội thất hư hỏng” song Chen chia sẻ những yếu tố tạo nên sự hao mòn tự nhiên không được nêu rõ ràng. Người thuê cùng chủ nhà nên làm rõ những thứ thuộc về sự hao mòn tự nhiên trước khi ký xác nhận, trong khi người thuê trước đó nên chụp ảnh, quay lại các video về tình trạng của ngôi nhà trước khi chuyển đến và trong quá trình bàn giao.
“Là người thuê nhà, hãy hòa nhã và tử tế. Mối quan hệ giống như đường giao thông 2 chiều. Để lại ấn tượng tốt cho chủ nhà và mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi bạn giao lại nhà”, Chen đưa ra lời khuyên.
Đinh Kim(Theo AsiaOne)