"Nếu có thể được, chúng tôi đề nghị tòa tuyên vô tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương", đại diện bộ Y tế nói.
Để làm rõ thêm các thông tin cũng như khái quát tình tiết, diễn biến phiên tòa xét xử vụ án chạy thận xảy ra tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình làm 9 người tử vong cũng như những vấn đề liên quan trong xét xử, chiều 4/6, tại bộ Y tế đã diễn ra buổi họp báo liên quan vấn đề này.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Y tế khẳng định, đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong lịch sử lọc thận của Việt Nam.
Theo ông Quang, chạy thận nhân tạo có thời gian phát triển khá dài, từ đó tới nay, việc chạy thận cũng tiến hành từ Trung ương tới địa phương, trở thành một kỹ thuật thường quy chứ không phải kỹ thuật đặc biệt hay kỹ thuật cao.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Huy Quang đã khái quát lại quá trình bộ Y tế tham gia cùng các bên khắc phục sự cố chạy thận cũng như việc phối hợp cùng cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xét xử vụ án này.
"Quan điểm của bộ Y tế là tôn trọng các cơ quan tố tụng và xét xử. Trong đó, các cơ quan tố tụng đều thực hiện độc lập và tuân theo pháp luật, bộ Y tế không can thiệp quá trình điều tra, xét xử nhưng Bộ cũng lưu ý các cơ quan chức năng phải xem xét đánh giá trách nhiệm hình sự trên cơ sở đúng người đúng tội, không để oan sai.
Nếu có thể được, chúng tôi đề nghị tòa tuyên vô tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương", ông Quang nói.
Đại diện bộ Y tế tham gia buổi họp báo. |
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, bộ Y tế cho biết, Việt Nam có các tiêu chuẩn liên quan đến hệ thống nước sạch cho quá trình lọc máu và cũng có những điều chỉnh, cập nhật mới.
"Ý kiến cho rằng bộ Y tế chậm trễ trong quy trình chúng tôi hoàn toàn phản bác vì khoa học, y học có sự phát triển và tiến bộ liên quan nhiều ngành khoa học khác. Việc ban hành các quy trình phải có thời gian", ông Khoa nói.
Trước câu hỏi của PV về việc, 6 năm hoạt động không phép của Đơn nguyên Thận nhân tạo - bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, bộ Y tế có hay biết và có trách nhiệm gì? Ông Khoa cho hay, việc cấp phép cũng như kiểm tra, giám sát thuộc thẩm quyền của sở Y tế Hòa Bình. Đó cũng là trách nhiệm của bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vì khi bệnh viện thực hiện kỹ thuật mới phải báo cáo với Sở.
"Việc chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Đa khoa Hòa Bình về thủ tục hành chính là hơi chậm. Tôi nhận định thế.
Trong vấn đề này, trách nhiệm của bệnh viện là chính, bệnh viện phải tuân thủ pháp lý, thực hiện kỹ thuật phải có sự phê duyệt danh mục kỹ thuật và dựa trên các điều kiện cần thiết", ông Khoa khẳng định.
Nguyễn Huệ/Người Đưa Tin