Bộ Y tế vẫn đưa ra kiến nghị cơ quan điều tra xem xét cho bác sĩ Hoàng Công Lương tại ngoại, không rời khỏi nơi cư trú, tích cực hỗ trợ công tác điều tra.
Theo TTXVN chiều 28/6, Bộ Y tế đã chính thức có thông tin tới báo chí vụ bác sĩ Hoàng Công Lương- Khoa Hồi sức tích cực- Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị bắt tạm giam liên quan đến vụ 8 người tử vong khi đang chạy thận.
Ông Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay, vừa qua, cơ quan công an khởi tố vụ án và bắt tạm giam đối với 3 bị can gồm: Bùi Mạnh Quốc (sinh năm 1986), Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xử lý nước Trâm Anh bị khởi tố về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp; Trần Văn Sơn (sinh năm 1990), cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Hoàng Công Lương (sinh năm 1986), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị khởi tố về tội vi phạm qui định về chữa bệnh là đúng với quy định của Bộ Luật hình sự và áp dụng đúng thẩm quyền của Bộ luật tố tụng hình sự.
TS Vũ Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: Báo Dân Trí |
Báo VnExpress đưa tin, ông Quang cho rằng, việc khởi tố bác sĩ Lương cần xem xét thêm đến yếu tố khách quan: lỗi liên quan nhiều đến quy tắc, thủ tục hành chính, không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết người để có kết luận điều tra sau này phản ánh trung thực vụ án, xác định đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Theo Vụ trưởng Vụ pháp chế Vũ Huy Quang, trong vụ việc này, bác sĩ Lương chưa có biên bản nghiệm thu, bàn giao, thanh lý hợp đồng đã cho y lệnh chạy thận. Về quy trình chuyên môn lọc thận, bác sĩ Lương đã thực hiện đúng nhưng thủ tục hành chính lại chưa đúng và lỗi này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây chết người.
“Về thủ tục hành chính nếu bác sĩ chờ biên bản nghiệm thu, bàn giao thì sự cố vẫn xảy ra với chất lượng nước như thế này”, báo VnExpress dẫn lời ông Quang.
Ông Quang cũng cho rằng, bác sĩ Hoàng Công Lương là bác sĩ trẻ có nhiệt huyết, có năng lực chuyên môn, phạm tội này mang tính chất vô ý và nếu không có biểu hiện bỏ trốn hay vi phạm tiếp hoặc cản trở cơ quan điều tra, bị can có địa chỉ gia đình rõ ràng nên Bộ Y tế đề nghị cơ quan điều tra xem xét để thay đổi biện pháp ngăn chặn cho tại ngoại nhưng không được đi khỏi nơi cư trú để phục vụ cho công tác điều tra.
Ông Quang khẳng định, đây cũng là bài học kinh nghiệm quý cho cả ngành y tế, bên cạnh việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định chuyên môn về khám bệnh chữa bệnh, còn yêu cầu chấp hành các quy định hành chính.
(Tổng hợp)