+Aa-
    Zalo

    Giới chức chuyên môn: Khởi tố bác sĩ Lương trong sự cố chạy thận là không thuyết phục

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng về việc cơ quan điều tra khởi tố tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

    Nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng về việc cơ quan điều tra khởi tố tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong sự cố chạy thận.

    Đơn kiến nghị gửi ngày 26/6 do giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc Việt Nam gửi Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến liên quan đến việc cơ quan điều tra khởi tố tạm giam 3 người liên quan sự cố chạy thận, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương (31 tuổi), khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

    Bác sĩ Lương được cho là đã “thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám chữa bệnh. Mặc dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản, nhưng bác sĩ Lương vẫn tiến hành chạy thận cho các bệnh nhân”.

    Bác sĩ Hoàng Công Lương. Ảnh: Báo Công an nhân dân.

    Vnexpress đăng tải ý kiến của giáo sư Nguyễn Gia Bình cho biết, ông cùng các đồng nghiệp đều hết sức bất ngờ, lo lắng, hoang mang trước kết luận trên của cơ quan điều tra và cho rằng "không thuyết phục".

    Đại diện Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc lập luận: Thứ nhất, việc cung cấp nguồn nước đảm bảo theo tiêu chuẩn để lọc máu (các quá trình lọc và khử khuẩn… xét nghiệm, kiểm định sau khi xử lý...) là trách nhiệm của Bệnh viện. Bản thân các bác sĩ không có chuyên môn kỹ thuật và cũng không được phân công làm công việc này.

    Đơn kiến nghị của Hội Hồi sức - cấp cứu và chống độc VN.

    Thứ hai, nhân viên y tế chỉ là người sử dụng nguồn nước sau khi được bàn giao và thực hiện các quy trình kỹ thuật lọc máu. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình kỹ thuật này đã được thực hiện 10 năm nay. Điều này đã giúp hàng trăm người bệnh bị suy thận mãn tính tại địa phương không phải về Hà Nội chạy thận.

    Thứ ba, tại nhiều đơn vị chạy thận, hiện nay do số lượng bệnh nhân quá đông, máy phải hoạt động liên tục phục vụ cho nhiều bệnh nhân mỗi ngày. Vì thế, các đơn vị phải lập kế hoạch làm việc chính xác đến từng phút. Khi đến thời điểm cần lọc máu, người bệnh phải được phục vụ kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

    Thứ tư, việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về số lượng, chủng loại thiết bị… Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng. Bác sĩ Lương cho rằng chỉ định lọc máu theo chương trình, sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư của Bệnh viện) là hợp lý. Nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra. Mặt khác trong trường hợp này, nếu chỉ lọc máu cho bệnh nhân sau khi bàn giao bằng văn bản thì sự cố vừa qua vẫn xảy ra như vậy.

    Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc.

    “Theo chúng tôi, khuyết điểm của bác sĩ Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính mà thôi”, đơn kiến nghị viết.

    Vì thế, Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc đề nghị Bộ trưởng Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, kết luận khách quan để tránh oan sai, giúp cho những nhân viên y tế yên tâm phục vụ người bệnh.

    PGS Phạm Khánh Phong Lan – Đại biểu quốc hội đoàn TP.HCM - chia sẻ quan điểm trên Infonet về trường hợp của bác sĩ Lương và bà cảm thấy đau xót vô cùng.

    PGS Phạm Khánh Phong Lan – Đại biểu quốc hội đoàn TP.HCM.

    Theo bà Lan, ở vị trí của bác sĩ xảy ra tai biến y khoa là ngoài ý muốn, là vô ý chứ không phải cố ý nếu xử lý bằng cách bắt tạm giam là điều rất nặng nề với bác sĩ. Trên thực tế, có những vụ việc làm thuốc giả gây hại cho rất nhiều người nhưng cũng chẳng có ai bị tạm giam còn với bác sĩ xảy ra lỗi do khi cứu người thì bị tạm giam và khởi tố hình sự.

    Nếu vụ việc cứ giải quyết theo chiều hiện tại, bà Lan cho rằng sẽ tạo ra văn hoá đổ lỗi sau này ngành của họ sẽ giấu lỗi đi không ai họ muốn liên đới khi có lỗi xảy ra.

    Ngoài ra, PGS Phong Lan bức xúc hơn trong khi ngành y bác sĩ bị đánh, điều dưỡng bị hiếp dâm, bác sĩ bị bắn, bị đâm chết mà không thấy ai xử lý gì.

    Còn khi xảy ra tai biến ngoài ý muốn họ bị kết tội vào vòng lao lý. Những cách làm việc này gây hại rất lớn cho việc điều trị bệnh, nhiều bác sĩ không có nhiệt huyết và dũng cảm để làm việc.

    PGS Phong Lan cho rằng bất cứ quy trình nào cũng cần có người kiểm tra giám sát chứ con người không phải thánh nhân không phải không bao giờ có sai sót nhưng nghiệt ngã nhất ngành y sai sót trả giá bằng tính mạng con người. Tuy nhiên vụ việc ở Hoà Bình, PGS Lan cho rằng “nếu hương hồn của các bệnh nhân đã ra đi tôi nghĩ người ta cũng muốn xử lý đúng người, đúng tội, vô tình hay cố tình”.

    PGS Lan cho biết bà là Chủ tịch Hội dược học TP.HCM, Phó chủ tịch hội Dược học Việt Nam nhưng bà cũng muốn góp tiếng nói của mình và hội mình vào vụ việc để cơ quan chức năng điều tra và xét xử thấu tình đạt lý.

    Cũng liên quan tới vụ án này, báo SGGP cho biết bệnh nhân Trần Văn Quang (51 tuổi, ở TP Hòa Bình) là một trong 10 nạn nhân còn sống sau sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cùng một số bệnh nhân khác trong vụ tai biến này và người nhà bệnh nhân đã có đơn kiến nghị gửi tới Công an tỉnh Hòa Bình, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình xin tại ngoại, giảm nhẹ hình phạt cho bác sĩ Hoàng Công Lương.

    Tổng hợp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gioi-chuc-chuyen-mon-khoi-to-bac-si-luong-trong-su-co-chay-than-la-khong-thuyet-phuc-a194637.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan