Nỗi niềm của cô gái trẻ
Mẹ không may mất sớm vì bạo bệnh, Lê Quỳnh Chi (Hà Nội) và em trai lớn lên trong sự yêu thương, chăm sóc của bà nội và sự cưu mang của họ hàng. Mỗi lần nhắc về bố, Chi không giấu được nỗi buồn.
Bố Chi là người ham mê cờ bạc, nợ tín dụng đen số tiền lên tới 300 triệu. Cực chẳng đã, Chi và em trai phải nai lưng làm kiếm tiền trả nợ thay bố.
Cuộc sống gia đình rơi vào cảnh bế tắc khi có người thân “dính” bẫy tín dụng đen (Ảnh minh họa).
Chi tâm sự bố cô ham mê cờ bạc, cá độ từ rất lâu. Ban đầu là lấy tiền tiết kiệm, hoặc bán tài sản trong nhà để chơi. Khi trong nhà không còn tài sản gì bán được, ông tìm tới những tổ chức tín dụng đen cho vay với thủ tục nhanh chóng, đổi lại phải chịu lãi suất “cắt cổ”.
Có thời điểm, người của tổ chức tín dụng đen đến tận nhà đời nợ, gây áp lực khiến chị em Chi vô cùng sợ hãi và xấu hổ. Vì thương chị em Chi mất mẹ sớm nên thời gian đầu, gia đình bên nội đã trả nợ cho bố Chi. Song kinh tế có hạn nên cũng chỉ hỗ trợ trả nợ được một phần, trong khi lãi mẹ đẻ lãi con, khiến món nợ tín dụng đen của bố Chi đeo bám gia đình đến tận bây giờ.
Hiện tại, Chi đang làm cho một cơ quan ở Hà Nội và em trai cũng vừa vào đại học. Để có thêm thu nhập, hai chị em Chi bán thêm đồ ăn nhanh trên mạng. Số tiền dành dụm được, Chi trang trải sinh hoạt và trích một phần để trả nợ cho bố.
Cuộc sống nhiều lúc khiến cô gái trẻ thấy ngột ngạt. Có lẽ điều Chi mong muốn lúc này không chỉ đơn giản là trả được hết món nợ tín dụng đen cho bố mà mong bố sớm thức tỉnh, tránh xa bài bạc, trở về lo toan cho gia đình như trước kia…
Cần tỉnh táo khi vay tiền
Trao đổi với PV về việc tại sao nhiều người tìm đến tín dụng đen, Luật sư Bùi Quang Trung (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng sở dĩ vẫn còn hoạt động phức tạp, bởi phần lớn người dân tự tìm đến các đối tượng để vay tiền.
Luật sư Bùi Quang Trung (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
“Tín dụng đen, về bản chất là hoạt động vay mượn giữa các cá nhân với nhau, không thông qua các tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép hoạt động. Tín dụng đen cung cấp tài chính nhanh chóng đến người có nhu cầu vay mà không cần nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, so với các tổ chức tín dụng hợp pháp.
Tuy nhiên, cũng chính vì thủ tục vay mượn đơn giản, không bị ràng buộc về pháp luật, dễ dẫn đến các vụ phạm pháp hình sự như cưỡng đoạt, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, đổ chất bẩn đe dọa, khủng bố tinh thần...”, luật sư Trung cho hay.
Cũng theo luật sư, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn, nắm bắt được tâm lý này nên các đối tượng cho vay lãi nặng đã tiến hành các hoạt động tín dụng đen cho vay tiền với mức lãi suất rất cao.
Hệ lụy từ việc này thì nhiều người cũng đã biết, khi con nợ chưa có tiền để trả nợ theo cam kết, các đối tượng thường nhắn tin, gọi điện để “khủng bố” tinh thần hoặc đe dọa, thậm chí thuê giang hồ kéo tới nhà con nợ để gây sức ép đòi nợ.
Theo luật sư Trung, nhiều nạn nhân đã sập bẫy tín dụng đen và phải chịu mức lãi lên tới 360%/năm. “Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân trong chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm liên quan đến tín dụng đen, không tạo điều kiện cho loại tội phạm này có cơ hội hoạt động là hết sức cần thiết”, luật sư Trung cho biết.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Tư Viễn