+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Với TPP, công việc còn rất nhiều

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trở về từ Atlanta (Hoa Kỳ), Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết khối lượng công việc hoàn thiện thể chế kinh tế rất lớn

    Trở về từ Atlanta (Hoa Kỳ), Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết khối lượng công việc hoàn thiện thể chế kinh tế rất lớn, các bộ, ngành cần phối hợp khẩn trương, chặt chẽ trong tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để đi đến ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

    Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

    Tại sân bay Nội Bài rạng sáng nay (7/10), ông Vũ Huy Hoàng dành cho PV Cổng TTĐT Chính phủ những thông tin mới nhất về việc 12 nước bên bờ Thái Bình Dương vừa ký kết Hiệp định TPP, hiệp định thương mại tự do mang tính chất lịch sử đầu thế kỷ XXI.
    Sau hành trình dài từ chuyến bay, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết bản thân ông và các thành viên trong đoàn đều rất vui khi các nước đã thống nhất hoàn tất Hiệp định TPP tại Thành phố Atlanta, Hoa Kỳ. Bộ trưởng hy vọng với TPP, trong thời gian tới, nền kinh tế của chúng ta sẽ có những thay đổi tích cực.
    Thưa Bộ trưởng, công việc những ngày tiếp theo của đoàn đàm phán là gì? Khi nào nội dung Hiệp định sẽ được công bố cho toàn dân biết?
    Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Sau khi kết thúc đàm phán, các nước sẽ tiến hành các thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và bắt đầu trình các cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định. Quá trình này thông thường kéo dài tối thiểu là 18 tháng.
    Trên cơ sở thỏa thuận chung giữa các nước TPP, Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ sẽ công bố chính thức toàn văn của Hiệp định TPP cho công chúng tham khảo và phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan triển khai việc rà soát và phê chuẩn hiệp định theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế.
    Mục đích là để nhân dân hiểu được nội dung của Hiệp định TPP, những quyền lợi mà TPP mang lại cho cộng đồng DN, cho đất nước cũng như những thách thức mà chúng ta phải đương đầu trong thời gian tới. Thời gian công bố phụ thuộc vào việc rà soát những nội dung trong Hiệp định nhưng chắc chắn sẽ trong thời gian sớm nhất. Bộ Công Thương và các bộ, ban, ngành liên quan sẽ cố gắng hết sức.
    Khi đó, người dân sẽ được tìm hiểu và nếu thấy chưa rõ có thể đặt câu hỏi và yêu cầu Đoàn đàm phán, Bộ Công Thương cũng như Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan giải thích trên tinh thần công khai, minh bạch.
    Ngoài ra, do tầm quan trọng của Hiệp định TPP, dự kiến Hiệp định sẽ được báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo trước khi bắt đầu quá trình phê chuẩn Hiệp định.
    Việc thảo luận ở Trung ương Đảng sẽ theo hướng như thế nào, thưa Bộ trưởng?
    Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ xem xét trong quá trình đàm phán Hiệp định với dự thảo Hiệp định có vấn đề gì cần lưu ý trong tổ chức thực hiện không. Sau khi có ý kiến của Trung ương, sẽ tiến hành thủ tục thông qua Quốc hội. Những quy trình đó ta đang thực hiện đúng.
    Từ những cuộc thảo luận căng thẳng tại Atlanta, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mức độ và tốc độ cải cách như hiện nay để đáp ứng yêu cầu thực thi TPP?
    Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Các yêu cầu của Hiệp định TPP rất cao trong đó có việc thực thi khung khổ pháp lý, bao gồm những quy định có liên quan đến thương mại, kinh tế đầu tư và một số vấn đề khác. Thực tế, những việc này chúng ta vẫn đang làm nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, ta phải tiếp tục sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật hiện không còn phù hợp bên cạnh việc phải xây dựng, ban hành mới các quy định pháp luật khác nên dù có TPP hay không chúng ta vẫn phải hoàn thiện thể chế.
    Việc cải cách thể chế chúng ta đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng để thực hiện đúng mục tiêu đã cam kết trong thoả thuận TPP thì thời gian tới cần phải nỗ lực hơn nữa, khối lượng công việc phải làm nhiều hơn nữa và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội. Bởi chậm ngày nào thì việc thông qua nội dung Hiệp định bị chậm lại ngày đó, Hiệp định chưa được Quốc hội phê chuẩn thì chúng ta cũng chưa được các nước còn lại công nhận, bản thân Việt Nam sẽ thiệt thòi vì chưa được mở cửa thị trường và hưởng những ưu đãi mà TPP mang lại.
    Việt Nam đã hoàn thành đàm phán song phương với các thành viên TPP cách đây gần 2 tháng. Vậy tại vòng đàm phán cuối ở Atlanta vừa qua, chúng ta có thay đổi gì trong kết quả đàm phán trước đó không?
    Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Ở vòng đàm phán tại Hawaii, Hoa Kỳ, về cơ bản chúng ta đã kết thúc những đàm phán song phương với tất cả đối tác, trong đó quan trọng nhất là thoả thuận với Hoa Kỳ và Nhật Bản, những vấn đề còn lại với chúng ta về song phương không nhiều.
    Tuy nhiên, bên cạnh những điều cơ bản đã thống nhất, còn một số vấn đề ta phải tiếp tục đàm phán tại Atlanta lần này. Đó là tiếp tục yêu cầu các đối tác phải quan tâm hơn nữa đến lợi ích cốt lõi của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hoá, như dệt may, thuỷ sản, giày dép... Bên cạnh đó, chúng ta cũng đề nghị các nước quan tâm đến những điều kiện cụ thể của Việt Nam bởi trong nội dung Hiệp định có nói rằng “TPP là một Hiệp định chất lượng cao, cân bằng lợi ích giữa các nước nhưng có tính đến sự chênh lệch phát triển giữa các nước thành viên” và chúng ta đề nghị các nước đối tác phải tuân thủ tốt nguyên tắc này. Trên thực tế, vòng đàm phán cuối tại Atlanta, 11 đối tác đã nghiêm túc thực hiện.
    Vì thế, chúng ta vẫn tiếp tục yêu cầu các nước dành  thêm những ưu đãi về mở cửa thị trường, nhất là với những ngành Việt Nam đang có lợi thế cũng như một lộ trình bảo hộ thích hợp với những sản phẩm đang yếu như chăn nuôi.
    Ngoài ra, trong đàm phán song phương với Hoa Kỳ về việc chúng ta phải thực hiện tốt nghĩa vụ với người lao động về quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp cũng được thoả thuận tốt đẹp. 
    Sự đóng góp của Việt Nam vào vòng đàm phán cuối tại Atlanta như thế nào, thưa Bộ trưởng?
    Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Các nước bạn đều cho rằng Việt Nam là đối tác đàm phán rất xây dựng, chân thành và rất quyết tâm nhưng giữ nguyên tắc. Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của Trung ương Đảng xuyên suốt quá trình đàm phán.
    Lần này, trong những giờ phút vẫn còn rất khó khăn giữa các nước có vấn đề song phương với nhau như: vấn đề ô tô giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Mexico và Canada, hay vấn đề bảo hộ dược phẩm có nguồn gốc sinh học giữa Peru, Chile với Hoa Kỳ, Nhật Bản, phía chúng ta luôn giữ nguyên tắc làm sao để có tiếng nói chung, có sự linh hoạt về lợi ích chung của cả 12 thành viên tham gia đàm phán. Chúng tôi luôn luôn nhắc lại ý đó trong quá trình đàm phán, trong bàn Hội nghị của các Bộ trưởng hay các vòng đàm phán các Trưởng đoàn.
    Tôi xin trích dẫn nguyên văn câu nói của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Akira Amari lúc chúng tôi bắt tay nhau sau khi kết thúc đàm phán đó là: “Chúng tôi cho rằng Việt Nam là một đối tác đàm phán rất chân thành, rất xây dựng và cởi mở, đóng góp rất nhiều vào kết quả của TPP nói chung cũng như kết quả song phương của Việt Nam với Nhật Bản nói riêng”.
    Việt Nam có tự tin khi bước vào "sân chơi" TPP không, thưa Bộ trưởng?
    Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi cho rằng, với kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta từ cách đây 20 năm khi Việt Nam gia nhập ASEAN, năm 2001 ta ký kết Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ, năm 2007 ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì chúng ta đã có ít nhiều kinh nghiệm. Rõ ràng khi ta chưa bước vào sân chơi thương mại rộng lớn như thế này thì chúng ta có nhiều lo ngại đó là điều rất tự nhiên nhưng trong quá trình thực hiện ta phải thể hiện rõ quyết tâm, bản lĩnh của người Việt Nam.
    Ta cũng thấy rằng, qua 8 năm gia nhập WTO nhìn lại thì Việt Nam có nhiều cái được hơn còn cái chưa được chúng ta sẽ tiếp tục có biện pháp khắc phục. Với tinh thần đó, quyết tâm đó và với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tôi tin rằng mục tiêu ta đặt ra sẽ thành công, mang lại lợi ích cho toàn đất nước, cho người dân, cho xã hội.
    Một câu hỏi cuối thưa Bộ trưởng, trong quá trình rà soát, phê chuẩn Hiệp định, nếu có nước chưa rà soát xong hoặc gặp vấn đề trong phê chuẩn thì tình hình sẽ diễn biến như thế nào?
    Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi tin rằng việc đó sẽ không xảy ra và Hiệp định sẽ được hoàn tất và ký kết trong thời gian sớm nhất.
    Xin cảm ơn Bộ trưởng!
    Theo Baochinhphu.vn
    [mecloud]duy55Nr8Hk[/mecloud]
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-vu-huy-hoang-voi-tpp-cong-viec-con-rat-nhieu-a113972.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.