Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, kết quả kiểm tra cho thấy không có vi phạm khi giao đất cho cá nhân, tất cả hình thức giao đất đều cho pháp nhân - doanh nghiệp.
Trao đổi với riêng với một số báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 27/5, Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trước thông tin báo cáo của bộ Quốc phòng, sáng cùng ngày, tổng Cục quản lý đất đai đã có buổi làm việc với bộ Quốc phòng.
Theo đó, thông tin về những lô đất ở Đà Nẵng, vấn đề đất đai liên quan biên giới hải đảo, đất rừng… Đà Nẵng là cơ quan nhà nước đã xác minh, kiểm tra và bộ Tài nguyên Môi trường đã nắm việc này.
"Đứng ở góc độ pháp luật, tôi khẳng định cá nhân người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất đai. Bởi luật Đất đai 2003, 2013 đều quy định người nước ngoài không phải là đối tượng sử dụng đất nên không có việc chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài tại Việt Nam", ông Hà nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường |
Về báo cáo của bộ Quốc phòng nêu về việc người nước ngoài sở hữu những lô đất được xem là nhạy cảm như đất quốc phòng tại Đà Nẵng, bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, ngay từ năm 2019, cá nhân ông đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát kiểm tra trên toàn bộ thành phố, phát hiện có hiện tượng là một số khu liên quan đến an ninh quốc phòng có doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.
Kết quả kiểm tra cho thấy không có vi phạm khi giao đất cho cá nhân. Tất cả hình thức giao đất đều cho pháp nhân - doanh nghiệp. Việc giao đất đó cho 2 trường hợp, là doanh nghiệp liên doanh hoặc mua cổ phần và họ đầu tư trên lĩnh vực bất động sản, kinh doanh thương mại.
Quá trình thanh kiểm tra, bộ cũng phát hiện một số sai phạm như: giao đất cho tổ chức nhưng đất đó là đất ở, không thể kinh doanh. Hoặc khu vực được giao đất chưa được hỏi ý kiến các Bộ quốc phòng theo quy định…
Sau khi kiểm tra, bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với TP Đà Nẵng làm việc với các bộ: Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Công an để có biện pháp xử lý. Quá trình rà soát, nếu doanh nghiệp đáp ứng các quy định của pháp luật thì sẽ tạo điều kiện cho họ hoạt động, và ngược lại, nếu không đủ điều kiện, có sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu thay đổi, điều chỉnh hoặc phải chuyển giao lại cho Việt Nam.
Cho đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng, toàn bộ các dự án có yếu tố người nước ngoài đang hoạt động dưới các hình thức là các doanh nghiệp, nếu có thiếu sót đều đã được khắc phục. Nhiều trường hợp đã chuyển giao lại cho người Việt Nam.
“Tôi chưa thấy một cá nhân nước ngoài nào được cấp quyền sử dụng đất cả. Bởi Luật đất đai quy định rất rõ rồi. Cấp là sai phạm. Ai thấy cứ báo cho tôi, tôi sẽ xử lý người cấp ngay vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, chúng ta giữ đất để bảo vệ an ninh quốc phòng nhưng cũng phải dùng đất để phát triển kinh tế. Vấn đề là phát triển trên mô hình phù hợp, tính toán cơ chế đặc thù, đảm bảo sự chặt chẽ khi cấp phép dự án đầu tư, nhà đầu tư, tránh chuyện núp bóng.
Luật Đầu tư sắp tới sẽ tính, những khu vực trọng yếu nào vẫn phải kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng. Mục tiêu để kiểm soát chặt chẽ, nếu xảy ra sai phạm thì phải xử lý thật nghiêm khắc. Các tiêu chí có thể đặt ra như trên.
“Tôi cho rằng, các chính sách đối với người nước ngoài phải bình đẳng, công khai, không phân biệt đối xử, từ đó định ra những cơ chế và đảm bảo sự xuyên suốt, nhất quán, vừa có tính đặc thù. Như vậy mới đáp ứng được hai mục tiêu song song và quan trọng là thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Một lần nữa, tôi khẳng định chúng tôi không bị động. Cách thức xử lý hiện nay là phải tôn trọng pháp luật, bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đối xử, tránh tác động không có lợi cho chúng ta” – Bộ trưởng lưu ý.
Được biết, vừa qua, trao đổi với báo chí về Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phải kiểm soát chặt những vấn đề liên quan đến đất đai vừa được dư luận đặt ra. “Một số vị trí thì phải cấm luôn, một số thì phải thẩm định chặt chẽ”, báo Tiền Phong dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Về tình trạng người nước ngoài “núp bóng” sở hữu hoặc thuê đất ở những vị trí trọng yếu, nhạy cảm, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Địa phương phải quản lý việc này. Tất cả các vấn đề liên quan đến người nước ngoài đầu tư, chúng tôi đang nghiên cứu. Thời gian tới, có thể ban hành một chỉ thị mới, trong đó có cả vấn đề mà phóng viên nêu”.
Trước đó, báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV của Bộ Quốc phòng nhận được sự quan tâm của người dân, dư luận cả nước. Báo cáo của Bộ Quốc phòng nêu từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP.Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP.Đà Nẵng. Bộ Quốc phòng cũng khẳng định, để sở hữu các lô đất ở TP.Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo 2 hình thức: thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam và đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam để mua đất.
Vũ Đậu(T/h)