+Aa-
    Zalo

    Sai phạm đất đai ở Phú Quốc: “Băm” tan rừng, nát biển, tiền núi cũng không thể “vá” hết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang đã bị Thanh tra Chính phủ nêu đích danh.

    Nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang đã bị Thanh tra Chính phủ nêu đích danh.

    Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những sai phạm trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường ở tỉnh Kiên Giang. Trong đó, sai phạm nghiêm trọng nhất xảy ra ở huyện đảo Phú Quốc.

    Theo quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch là 37.430 ha, trong đó đất rừng phòng hộ 6.666ha, đất rừng đặc dụng 30.764 ha.

    Căn cứ vào quy hoạch, đã có trên 5.000ha đất rừng đã được sử dụng vào phát triển KT-XH trên đảo và bố trí đất nông nghiệp, đất ở cho người dân. Hàng ngàn ha (nguồn gốc đất rừng) sau đó đã được giao cho các doanh nghiệp (DN) làm dự án và các tổ chức, cá nhân khác.

    Tuy nhiên vẫn còn hàng ngàn ha đang “trôi nổi”, mà theo Thanh tra Chính phủ, việc quản lý đất rừng trong thời gian qua ở tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là ở huyện Phú Quốc còn có dấu hiệu buông lỏng, để người dân lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng nhưng chậm được phát hiện và xử lý, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lấn chiếm, không có điểm dừng, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

    Đảo ngọc Phú Quốc đã bị 'băm nát'. Ảnh: Thanh niên

    Theo tìm hiểu của Tiền phong, chỉ tính 2 điểm gần khu vực trường Trường THCS Gành Dầu, tổng diện tích rừng bị “thảm sát” lên đến gần 50 ha, trong đó có 6 hộ dân đã xâm phạm vào Vườn Quốc gia.

    Một cán bộ xã Gành Dầu nói, Gành Dầu chỉ là một điểm nhỏ trong hàng trăm vụ, với hàng trăm ha rừng bị lâm tặc tấn công, diễn ra triền miên trong nhiều năm qua trên đảo Phú Quốc nhưng việc xử lý là rất ít. Và nguy cơ lấn chiếm “không có điểm dừng” như nhận xét của Thanh tra Chính phủ là có thật.

    Ngoài rừng, hiện tất cả các bãi biển đẹp trên đảo đã rơi vào tay các DN, và họ “kín cổng cao tường” đối với những ai muốn tiếp cận biển trong vùng dự án. Tất nhiên trừ những người thuê khách sạn của họ.

    Từ bãi biển từ Dinh Cậu (thị trấn Dương Đông) đến rạch Cửa Lấp (xã Dương Tơ) hầu hết đã bị phong tỏa bởi các nhà hàng, khách sạn. Khu vực Dinh Cậu có một bãi biển công cộng vốn chật hẹp, nay càng ngột ngạt hơn khi chính quyền đồng ý cho xây dựng một khách sạn 5 sao nằm sát bờ biển, đến mức không còn lối đi.

    Ngay tại vị trí Cửa Lấp, con rạch nơi đây cũng đang bị đất đá bủa vây, khách sạn cao tầng sát biển mọc lên. Tại thị trấn Dương Đông, mấy năm trước  từng có du khách do “quá bức xúc” đã đánh trọng thương một nữ nhân viên khách sạn khi cố ngăn không cho anh này cùng gia đình xuống tắm biển.

    Nói về hành lang biển và quyền tiếp cận biển, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra: Một trong những chức năng quan trọng của hành lang bảo vệ bờ biển là duy trì cảnh quan tự nhiên vùng bờ, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển, được quy định trong luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (khoảng cách tối thiểu 100m) và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung đảo Phú Quốc.

    Thế nhưng UBND tỉnh Kiên Giang lại ban hành văn bản ngày 15/11/2016, không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại 20 bãi biển (toàn bộ các bãi tắm biển) trên đảo Phú Quốc…

    Được biết, sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận những sai phạm trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản (thời kỳ 2011-2017), chủ yếu ở đảo Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết sẽ tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm.

    Là địa bàn trọng điểm về du lịch, huyện đảo Phú Quốc thu hút đặc biệt nhiều dự án quy mô lớn, tập trung chủ yếu lĩnh vực nghỉ dưỡng, bất động sản…

    Trong số khoảng 968 dự án đầu tư trong nước trên toàn địa bàn Kiên Giang (với 15 đơn vị hành chính cấp huyện), tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 862.000 tỷ đồng thì riêng Phú Quốc có đến 274 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 358.000 tỷ đồng.

    Mặc dù UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc (BQL) để góp phần thúc đẩy Phú Quốc phát triển, nhưng sai phạm vẫn liên tục xảy ra trong nhiều năm.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sai-pham-dat-dai-o-phu-quoc-bam-tan-rung-nat-bien-tien-nui-cung-khong-the-va-het-a324782.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đừng để “chậm chân” ở Phú Quốc

    Đừng để “chậm chân” ở Phú Quốc

    Ngay sau khi dịch Covid 19 được khống chế, nhà đầu tư đã hăm hở lên đường săn tìm cơ hội. Trong các địa bàn đầu tư, Phú Quốc vẫn là điểm đến có sức hấp dẫn bậc nhất.