+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Thăng nói gì về đề xuất "TTGT được trang bị súng"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – “Thanh tra giao thông là thanh tra giao thông, chứ thanh tra giao thông không thể là CSGT. Đừng cố biến thanh tra giao thông thành cảnh sát giao thông”.

    (ĐSPL) – “Thanh tra giao thông là thanh tra giao thông, chứ thanh tra giao thông không thể là cảnh sát giao thông. Đừng cố biến thanh tra giao thông thành cảnh sát giao thông”.

    Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng nêu quan điểm như trên tại buổi làm việc với các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT và đại diện Bộ Công an sáng nay (27/5) về xây dựng thông tư liên tịch giữa Bộ Công an và Bộ GTVT trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và ATGT, trong đó có nội dung trang bị súng và các công cụ hỗ trợ như dùi cui, áo giáp... cho lực lượng thanh tra giao thông.

    Bộ trưởng Thăng: Đừng biến Thanh tra giao thông thành CSGT

    Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Đừng biến thanh tra giao thông thành CSGT".

    Theo Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (Tổng cục VII), Bộ Công an, sự phối hợp giữa 2 Bộ GTVT và Công an là hết sức cần thiết, trong năm qua phối hợp tốt từ quy chế xây dựng Thông tư. Theo trình tự xây dựng các văn bản pháp quy, tổ biên soạn phải khảo sát lấy ý kiến trình lãnh đạo 2 Bộ rồi mới công bố dự thảo Thông tư liên tịch.

    Trong khi đó, mặc dù đại diện Vụ Pháp chế của Bộ Công an cũng tham gia Tổ soạn thảo Thông tư, nhưng khi được mời phát biểu thì Đại tá Đỗ Văn Cương, Trưởng phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự, Vụ Pháp chế- Bộ Công an, lại cho biết chưa nắm được Thông tư liên tịch về việc trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng thanh tra giao thông và chỉ biết khi báo chí đăng tải. Ông Cương không đồng ý với dự thảo thông tư này và cho rằng cần phải cân nhắc kỹ với đề xuất trang bị công cụ cho lực lượng thanh tra giao thông.

    Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhắc nhở Tổ soạn thảo dự thảo Thông tư liên tịch về việc trang bị công cụ hỗ trợ cho Thanh tra giao thông và yêu cầu phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

    Theo Bộ trưởng Thăng, cách làm của tổ soạn thảo là sai quy trình vì chưa qua xin ý kiến lãnh đạo Bộ đã đưa ra trước nhân dân.

    Bộ trưởng Thăng cho rằng: “Việc gì cũng phải có quy trình. Với những vấn đề, chủ trương lớn thì phải báo cáo với lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Bộ đồng ý thì mới được làm. Chứ không phải là cứ đưa thông tư lên, rồi đến khi với tư cách là Bộ trưởng mà ai hỏi tôi về việc này tôi cũng không biết. Thậm chí, khi báo chí hỏi về việc này mà tôi mới ngớ người ra không biết gì. Anh em phóng viên họ bảo tôi giả vờ, né tránh, nhưng quả thực là tôi không biết thật”.

    Theo quan điểm của người đứng đầu ngành GTVT, thì với những vấn đề lớn, nhạy cảm và ảnh hưởng đến người dân, thì nhất định phải xin chủ trương, ý kiến trước rồi mới xây dựng thông tư và tháng nào cũng họp, mỗi tháng phải tổ chức ít nhất 1 cuộc họp về công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

    “Quy trình xây dựng Thông tư liên tịch nhằm trang bị công cụ hỗ trợ cho Thanh tra giao thông rõ ràng là một quy trình có vấn đề, vì vậy, tôi nghĩ chúng ta phải rút kinh nghiệm sâu sắc cho việc này”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

    Nói rõ hơn về việc trang bị súng và các công cụ hỗ trợ cho lực lượng thanh tra giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng một lần nữa khẳng định: “Thanh tra giao thông là thanh tra giao thông, chứ thanh tra giao thông không thể là cảnh sát giao thông. Đừng cố biến thanh tra giao thông thành cảnh sát giao thông. Về vấn đề này, ngay từ hồi tôi mới làm Bộ trưởng tôi đã muốn rằng, cái gì là chức năng của thanh tra giao thông mà trùng với cảnh sát giao thông thì đề nghị chuyển cho cảnh sát giao thông làm. Còn thanh tra giao thông chỉ lo tập trung thanh tra hạ tầng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông là chính”.

    Bộ trưởng Thăng: Đừng biến Thanh tra giao thông thành CSGT

    Lực lượng thanh tra giao thông đang làm nhiệm vụ. Ảnh minh họa.

    “Còn nếu lý luận rằng thanh tra giao thông cần được trang bị vì thường gặp nhiều nguy hiểm, thì tôi nghĩ thanh tra môi trường cũng có nhiều nguy hiểm lắm chứ, cũng cần trang bị kĩ càng, thanh tra xây dựng cũng cần, thanh tra về an toàn thực phẩm cũng cần… Nhưng như thế thì các lực lượng thanh tra đều trở thành lực lượng cảnh sát. Cho nên việc trang bị công cụ hỗ trợ là cần thiết, nhưng phải ở mức độ nhất định nào đó” – ông Thăng bày tỏ.

    Về hướng giải quyết, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu phải rút lại dự thảo, đưa xuống, làm lại, báo cáo chủ trương. Do thông tư chuẩn bị không được kỹ nên phải công khai xin lỗi nhân dân. Đồng thời, yêu cầu các Thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực phải trực tiếp chỉ đạo, rà soát xem cần thiết phải có những thông tư nào để xây dựng sau đó bàn với các cơ quan chức năng của Bộ công an để thống nhất nội dung báo cáo lên Bộ trưởng Bộ công an và lãnh đạo Bộ GTVT.

    Trước đó, trả lời báo chí, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết: thời gian qua, lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) gặp không ít khó khăn khi ngăn chặn các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Thậm chí, nhiều cán bộ đã bị người vi phạm chống đối, gây tổn thương sức khỏe.

    “Việc trang bị công cụ hỗ trợ (CCHT) cho TTGT là cần thiết để có thể ngăn chặn kịp thời các hành vi chống đối, vi phạm nguy hiểm” , ông Huyện nhìn nhận. Từ thực tế đó, Bộ GTVT đã đề xuất cho phép lực lượng TTGT được trang bị hàng loạt CCHT như: các loại súng bắn đạn cao su, hơi cay, chất gây mê, pháo hiệu; các loại phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê; các loại dùi cui điện, cao su…

    Người được giao sử dụng CCHT là lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành GTVT, gồm: thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra.

    Thủ trưởng các cơ quan: Thanh tra Bộ GTVT, Cục Hàng hải, Tổng cục Đường bộ, Cục Đường sắt, sở GTVT địa phương, Cục Hàng không… có trách nhiệm giao CCHT cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ. T

    Theo dự thảo, người được giao sử dụng CCHT phải thực hiện đúng quy định tại điều 33 Pháp lệnh 16/2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và CCHT.

    Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết trước khi xây dựng dự thảo thông tư này, Bộ GTVT đã xin ý kiến của Bộ Công an và được đồng ý, chấp thuận về chủ trương. “Đại diện 2 bộ đã đi khảo sát tình hình thực tế trước khi xây dựng dự thảo này. Ở những thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, số lượng phương tiện tham gia giao thông cao, các vi phạm cũng hết sức đa dạng nên vai trò của TTGT ngày càng lớn, cần trang bị CCHT để cùng với lực lượng CSGT kiểm soát tình hình tốt hơn”, ông Huyện giải thích.

    KHÁNH CHI

    Xem thêm clip: Cận cảnh tàu TQ rượt đuổi, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-thang-noi-gi-ve-de-xuat-ttgt-duoc-trang-bi-sung-a34530.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Một năm nhìn lại: Ngành giao thông nhiều đột phá

    Một năm nhìn lại: Ngành giao thông nhiều đột phá

    (ĐSPL) - Năm 2013 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành giao thông vận tải, dù công việc trước mắt còn đang rất bề bộn, ngổn ngang nhưng nhìn lại những gì có được hôm nay cũng đủ khiến nhiều người trong ngành tự hào.