Tại Nghị trường hôm nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết về một khái niệm mới, đang được Bộ nghiên cứu.
Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được quy định tại Điều 5 trong hệ thống quy hoạch. Đây là một hình thức mới, đã được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 4, diễn ra vào cuối năm nay.
“Vấn đề này chúng tôi cũng đang nghiên cứu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Bởi lẽ, khái niệm này vẫn chưa được định hình rõ nên Bộ trưởng kiến nghị “các nội dung liên quan đến đơn vị hành chính đặc biệt này, trong Điều 5 chúng tôi xin được kiến nghị để như trong dự thảo của Điều 5. Cụ thể như thế nào sau khi có những quy định của luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này thì chúng tôi sẽ kiến nghị để trình với Quốc hội làm rõ, bổ sung cụ thể sau”.
Cũng liên quan đến Luật Quy hoạch, hôm nay đã có 27 ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý cho dự thảo Luật này. Cảm ơn những đóng góp thẳng thắn của đại biểu, Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh đấy là luật quan trọng, lại mới, phạm vi rất rộng, vì thế, sau 6 năm, luật vẫn chưa được thông qua và để đi đến được ngày hôm nay, đó là “một nỗ lực lớn”.
Bộ trưởng cũng tự tin, nếu được thông qua tại kỳ họp lần này, Luật Quy hoạch sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn, xoá bỏ được nhiều cơ chế tồn đọng, trong đó, có cơ chế “xin – cho”. Cụ thể hơn, Bộ trưởng đã nêu ra 5 điểm.
Thứ nhất, Luật sẽ cải cách về thể chế, tạo ra được sự đồng bộ thống nhất của pháp luật hiện nay về quy hoạch. Thực tế, hiện Việt Nam có khoảng 95 hệ thống luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch với khoảng 19.250 quy hoạch đang được lập.
Thứ hai, góp phần thay đổi phương thức quản lý của nhà nước, trước đây phương thức quản lý nhà nước thiên về quản lý, còn mục tiêu bây giờ thiên về vừa đảm bảo cho công tác quản lý nhưng vừa đảm bảo cho kiến tạo và phát triển, phục vụ cho phát triển. Đây cũng thực sự là một công cụ quan trọng để huy động, phân bổ và sử dụng khai thác các nguồn lực của quốc gia.
Thứ ba, tăng cường tính liên kết phát triển vùng, phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương và từng ngành.
Thứ tư, khắc phục được tình trạng chia cắt cục bộ giữa các ngành, các địa phương và giữa các vùng miền trong cả nước, tránh được các xung đột về lợi ích và mâu thuẫn chồng chéo trong phát triển.
Thứ năm, cách thiết lập cơ chế cung cấp các thông tin về quy hoạch đảm bảo công khai minh bạch trong các tiếp cận thông tin và cũng là để giám sát trong quá trình thực hiện quy hoạch. Đồng thời, khắc phục được tình trạng xin - cho tùy tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch. Để cho người dân, nhà kinh doanh được sản xuất theo cơ chế thị trường quyết định, nhà nước chỉ đảm bảo việc cung cấp thông tin, định hướng.
“Quyết định đầu tư là của nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch của chúng ta đã định ra, ta không thể định lượng ra được sản phẩm này bao nhiêu, sản phẩm kia bao nhiêu mà hoàn toàn do thị trường quyết định. Đây là một bước hết sức mới và hết sức cách mạng trong tư tưởng của Luật quy hoạch lần này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.