Sáng 2/8, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp tục nhận trách nhiệm về những sai sót trong kỳ thi THPT Quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Vai trò giám sát của bộ GD&ĐT trong các khâu tổ chức thi tại địa phương chưa thật sự đầy đủ. Vẫn còn để xảy ra tình trạng tiêu cực, gian lận có tổ chức tại một số hội đồng thi”.
"Phần mềm chấm trắc nghiệm cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi. Tuy nhiên, còn có những kẽ hở trong bảo mật dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Vai trò giám sát của bộ GD&ĐT trong tất cả các khâu tổ chức thi tại địa phương cũng như trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi chưa thật sự đầy đủ; còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số Hội đồng thi, gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội.
Trước đó, ngày 1/8 tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã lên tiếng nhận trách nhiệm về kỳ thi THPT Quốc gia 2018. |
Trước những thông tin dư luận phản ánh về điểm thi bất thường ở một số địa phương, bộ GD&ĐT đã thành lập các tổ công tác của ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia thực hiện kiểm tra, tổ chức chấm thẩm định kết quả thi tại Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre. Để xử lý nghiêm các sai phạm, Bộ đã phối hợp với đơn vị chức năng kịp thời xác minh làm rõ, xử lý các sai phạm”, ông Nhạ cho biết.
Người đứng đầu ngành Giáo dục thông tin thêm: “Trong thời gian qua, vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp; xảy ra tình trạng lạm thu khiến dư luận bức xúc; xuất hiện những vụ bạo hành khiến xã hội mất niềm tin vào giáo dục, tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số địa phương”.
Bên cạnh đó, vị Bộ trưởng cũng đề ra những mục tiêu: “Trong năm học mới, toàn ngành cần quyết tâm tạo chuyển biến ở từng bậc học. Cần tập trung phát triển trường lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Giảm bạo hành trẻ, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên”.
Đối với giáo dục phổ thông, tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1. Nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, kiểm tra đánh giá đặc biệt là kỳ thi THPT Quốc gia. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Còn với giáo dục ĐH, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tự chủ của các trường đại học. Nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu của xã hội để tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo ngày càng tăng”.
“Với tinh thần thực sự cầu thị, thẳng thắn, chúng ta cần nhìn rõ những mặt đã làm được, cạnh đó là những tồn tại, hạn chế để cùng nhau hành động, đưa ra các giải pháp đúng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặng Thủy
Theo Người Đưa Tin