+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Hình thành nền tảng số cho một "xã hội học tập"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Kết thúc năm 2021 với nhiều khó khăn của giáo dục, thầy và trò đã phải thay đổi phương thức dạy và học vì dịch bệnh. Bước sang năm 2022, chúng ta kỳ vọng vào việc mở lại trường học trong bối cảnh "bình thường mới". Trước thềm năm mới 2022, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn để nghe ông chia sẻ về những thách thức mà ngành giáo dục đang đối mặt và những dự định sắp tới.

    Một năm với những thách thức

    ĐS&PL:Ngành giáo dục nước nhà đã và đang trải qua một giai đoạn chưa từng có, khi mà Covid-19 đã khiến cho việc học gặp nhiều xáo trộn. Cấp mầm non nhiều tháng đã không thể đến trường, các cấp học khác chuyển sang học online trong một thời gian dài. Bộ trưởng có đánh giá như thế nào sự thay đổi này trong thời gian qua?

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trong 2 năm ứng phó với dịch bệnh vừa qua, học trực tuyến được triển khai với quy mô và mức độ khác nhau, tùy thuộc vào tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Học trực tuyến là phương thức học tập cần có sự chuẩn bị nhiều điều kiện như nhân lực, hạ tầng, kiến thức, nội dung, học liệu,…

    Đồng thời việc triển khai cần đồng bộ, có lộ trình và phương pháp phù hợp. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thầy và trò không thể đến trường thì giải pháp học trực tuyến là giải pháp bắt buộc ở nhiều nơi, dù chúng ta chưa có sự chuẩn bị đầy đủ.

    Vậy nên, khó khăn, thách thức trong tổ chức và triển khai dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả là khó tránh khỏi từ việc điều chỉnh kế hoạch, phương pháp, nội dung, chuẩn bị hạ tầng truyền thông, trang thiết bị công nghệ, cho đến sự sẵn sàng nhập cuộc của các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các cháu học sinh, đặc biệt là các cháu bậc học mầm non và tiểu học.

    Cùng với đó, thử thách cũng nặng nề hơn bởi 2 năm qua còn là những năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

    Trước yêu cầu cần phải thích nghi hiệu quả với dịch bệnh, ngành giáo dục đã chuyển trạng thái, tập trung làm tốt cả hai việc: Đảm bảo chất lượng giáo dục và phòng chống dịch an toàn.

    Những quyết sách của ngành nhằm triển khai kế hoạch chuyển đổi lâu dài để thích ứng với dịch bệnh, đồng thời, trong ngắn hạn, tại mỗi địa phương, kế hoạch và hoạt động dạy học cần phải có những giải pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, thời điểm trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng về kiến thức, kỹ năng cốt lõi mà người học cần phải đạt được.

    Đặc biệt phải kể đến sự nỗ lực của đội ngũ giảng viên các cấp học, bậc học trong việc chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến và truyền hình.

    Khó khăn càng nhân lên gấp bội phần đối với bậc học mầm non và các lớp đầu của bậc tiểu học. Cùng với đó là sự hỗ trợ của gia đình, cha mẹ và người 

    thân của các em học sinh, sự chung tay góp sức của toàn xã hội để hoạt động dạy học được đảm bảo an toàn và chất lượng tốt nhất trong khả năng có thể.

    Dạy học trực tuyến khó khả thi để triển khai hiệu quả với bậc mầm non và với các lớp đầu của bậc tiểu học. Trong bối cảnh hiện, thẳng thắn nhìn nhận thì ở tất cả các cấp học, dạy học trực tuyến khó có thể đạt được hiệu quả như dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, nếu không tìm ra giải pháp giải quyết triệt để thì chúng ta cần xác định lựa chọn giải pháp tốt nhất.

    Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành các rà soát, thống kê, qua đó có những đánh giá cụ thể, định lượng về chất lượng dạy và học trực tuyến, song có thể nói, 2 năm qua, hình thức dạy học này đã giúp các hoạt động giáo dục không những không gián đoạn mà còn được tiếp nối theo cách phù hợp và hiệu quả nhất có thể.

    bo truong bo gd dt nguyen kim son hinh thanh nen tang so cho mot xa hoi hoc tap 01
    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

    ĐS&PL:Theo Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 đem lại những cơ hội và thách thức như thế nào đối với giáo dục. Đây có phải là động lực giúp cho ngành giáo dục chuyển đổi số nhanh chóng hơn?

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Phần lớn, hoạt động dạy học trực tuyến của chúng ta được thực hiện bởi yêu cầu ứng phó bắt buộc với dịch bệnh nên việc triển khai còn bị động, thiếu đồng bộ và nhiều điều kiện cần thiết.

    Các quyết sách và giải pháp của ngành giáo dục trong thời gian qua phải bám sát quyết sách và chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan và tình hình chuyển biến của dịch bệnh Covid-19.

    Điều kiện khác nhau về hạ tầng truyền thông, điều kiện kinh tế giữa các các vùng miền đang tạo nên khoảng cách lớn hơn trong tiếp cận giáo dục, mà ở đó, các học sinh, đặc biệt ở các cấp học mầm non, tiểu học thuộc các khu vực khó khăn, miền núi hải đảo, thiếu thốn trang thiết bị và hạ tầng truyền thông, cha mẹ mất do dịch bệnh Covid-19, ... đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn cả.

    Phương thức dạy học trực tuyến chưa thể thay thế học trực tiếp và trong thực tế, hoạt động dạy học trực tuyến đang cho thấy những vấn đề bất cập như: Kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy học chưa được chuẩn bị bài bản, thống nhất, chưa chuyển đổi phù hợp với phương thức dạy học trực tuyến, truyền hình.

    Ngoài ra, dạy học trực tuyến hay dạy học truyền hình không thay thế được học trực tiếp đối với các cháu mầm non và chưa đáp ứng các yêu cầu chất lượng đối với các cháu tiểu học; quá trình học trực tuyến đòi hỏi gia đình học sinh tham gia hỗ trợ nhiều hơn, trong khi vẫn phải thực hiện các công việc khác; tâm lý và sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng khi phải dành hàng giờ trước màn hình tivi, máy tính để hoàn thành các nội dung học tập…

    Với nỗ lực của toàn xã hội và ngành giáo dục trong thời gian vừa qua, chúng ta đang trải qua một giai đoạn khó khăn, thách thức, dù còn đó những tồn tại cần khắc phục nhưng chúng ta cũng đạt được những kết quả tiền đề cho đổi mới dạy học, đặc biệt là dạy học trực tuyến, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới căn bản toàn diện của ngành giáo dục.

    Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, dịch bệnh đã là một cú hích thúc đẩy ngành giáo dục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong công tác dạy học trực tuyến, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

    bo truong bo gd dt nguyen kim son hinh thanh nen tang so cho mot xa hoi hoc tap 02

    Năm mới, cơ hội mới

    ĐS&PL:Nói đến chuyển đổi số trong giáo dục, việc này đã được các nhà quản lý ở Việt Nam nhắc tới nhiều năm trước đây. Nhưng thực tế, việc triển khai vẫn còn những trở ngại. Vậy theo ông, nhà quản lý hiện nay cần làm gì để thay đổi tư duy ngại thay đổi của mình. Là cơ quan lãnh đạo ngành, Bộ GD&ĐT sẽ có những bước đột phá nào để trở thành đầu tàu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý?

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngành Giáo dục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục và đây là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được, song cần phải bắt đầu ngay và phải được làm thường xuyên.

    Để thực hiện chuyển đổi số, trước hết từ những người làm công tác quản lý, hoạch định chính sách, tới giáo viên, học sinh, phụ huynh phải thấy hết tiện ích, lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có hướng cho những tiện ích, lợi thế được thể hiện.

    Với giáo dục, đó là quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học chất lượng hơn. Tiện ích của chuyển đổi số không thể rao giảng là có thể làm thay đổi được tư duy của bất kỳ ai, chỉ khi tự thân người trong cuộc thấy được tiện ích, lợi thế của nó, họ sẽ nhập cuộc.

    Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Mục tiêu ở đây nhằm thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, quản lý Nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập.

    Đề án sẽ được lấy ý kiến tham góp của chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo… trước khi ban hành và tổ chức thực hiện. Sẽ có rất nhiều khó khăn đặt ra cho quá trình thực hiện chuyển đổi số của ngành giáo dục, trong đó bao gồm cả việc hình thành và nâng cao nhận thức, tư duy, năng lực, văn hóa số cho những người tham gia vào quá trình đó.

    Tuy nhiên, chuyển đổi số là một quá trình cần có thời gian và lộ trình cụ thể, ngành giáo dục sẽ từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra.

    ĐS&PL:Chính phủ đã thay đổi cách chống dịch, từ mục tiêu “không Covid” chuyển sang thích ứng an toàn. Vậy trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ có những thay đổi như thế nào trong dạy học để phù hợp trong bối cảnh mới?

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mong mỏi được đến trường học tập trực tiếp của học sinh, giáo viên là mong mỏi rất chính đáng. Đối với ngành giáo dục, việc chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, dần mở cửa trường học là nhiệm vụ rất quan trọng để các hoạt động giáo dục sớm quay trở lại trạng thái bình thường.

    Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều hướng dẫn cụ thể gửi các địa phương về việc dạy học trực tiếp, mở cửa trường học an toàn. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Y tế để có hướng dẫn tới từng cơ sở giáo dục về các phương án đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.

    Cùng với việc mở cửa trường học, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh sau khi các em được trở lại học trực tiếp.

    Trong đó rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn. Việc bù đắp kiến thức được ngành giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một năm học này.

    bo truong bo gd dt nguyen kim son hinh thanh nen tang so cho mot xa hoi hoc tap 03
    Học sinh trở lại trường sau khi được tiêm vắc-xin.

    ĐS&PL:Xin Bộ trưởng chia sẻ về lĩnh vực được ngành giáo dục ưu tiên chỉ đạo trong năm 2022?

    Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trong năm 2022, Ngành giáo dục tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 và Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó, ưu tiên triển khai một số công việc.

    Trước mắt, cần triển khai thật tốt đổi mới giáo dục phổ thông, củng cố chất lượng dạy và học để ứng phó với dịch bệnh và tăng cường các kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

    Thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó, phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ và kỹ thuật. Đặc biệt là nhóm đào tạo về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, một số lĩnh vực như đảm bảo an toàn thông tin mạng, số lượng thiếu hụt lên đến hàng chục nghìn người.

    Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kỹ thuật và công nghệ.

    Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị kết hợp sử dụng lao động nhất là giữa các doanh nghiệp và các trường đại học.

    Cần phải hỗ trợ kịp thời cho những sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học quay trở lại đào tạo bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho các năm 2022, 2023.

    ĐS&PL:Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

    Hoa Trà

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số gộp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-bo-gd-dt-nguyen-kim-son-hinh-thanh-nen-tang-so-cho-mot-xa-hoi-hoc-tap-a527057.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Phú Thọ: Ngành giáo dục chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19

    Phú Thọ: Ngành giáo dục chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19

    Đến thời điểm này, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh vẫn luôn nâng cao ý thức phòng chống dịch covid -19. Để kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay, các cấp, ngành và toàn xã hội của tỉnh Phú Thọ, đều nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch.