+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình về chính sách tiền lương, tuổi nghỉ hưu nhà giáo

    (ĐS&PL) - Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giải trình về chính sách tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên.

    Từ hôm nay (20/11), đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 20-30/11 và Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng.

    Trong đó, nội dung mở đầu của đợt 2 là phiên toàn thể thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

    Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có báo cáo về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ về dự Luật.

    Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian thực tế lên lớp của nhà giáo ít hơn thời giờ làm việc của công chức, viên chức. Do vậy, đại biểu đề nghị cần đánh giá đầy đủ về tương quan giữa thời gian làm việc và thu nhập của hai nhóm này.

    Về việc này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc quy định số tiết giảng dạy/tuần đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được tính toán trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, chương trình giáo dục, các nhiệm vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm gắn với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

    Theo đó, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo bao gồm hoạt động chuẩn bị và tổ chức giảng dạy, giáo dục, đánh giá đối với người học; hoạt động học tập, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; phục vụ cộng đồng và các hoạt động khác.

    Hoạt động nghề nghiệp được thể hiện thành chế độ làm việc của nhà giáo và được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trên năm hoặc trên tuần theo từng cấp học, trình độ đào tạo bảo đảm quy định tuần làm việc 40 giờ theo Bộ luật Lao động.

    Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Quochoi.vn)

    Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Quochoi.vn)

    "Như vậy, quy định về số tiết giảng/giờ giảng trên tuần không có nghĩa là nhà giáo chỉ có mỗi nhiệm vụ lên lớp giảng theo số tiết định mức và bảo đảm quy định của pháp luật về lao động như người lao động ở các ngành, lĩnh vực khác", báo cáo nêu rõ.

    Mỗi ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù hoạt động nghề nghiệp riêng biệt. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định không có việc nhà giáo làm việc với thời gian ít hơn thời gian làm việc của công chức, viên chức khác.

    Bên cạnh đó, Bộ này đánh giá thực tế việc xếp lương nhà giáo chưa bảo đảm tương quan với công chức, viên chức các ngành khác.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ví dụ giáo viên phổ thông hạng III - II - I áp dụng bảng lương của viên chức loại A1 (2,34) - A2.2 (4,0) - A3.2 (5,75); trong khi công chức ngạch viên - chính - cao áp dụng bảng lương của công chức loại A1 (2,34) - A2.1 (4,4) - A3.1 (6,2); hoặc chức danh y tế công cộng hạng III - II - I được áp dụng bảng lương của công chức loại A1 (2,34) - A2.1 (4,4) - A3.1 (6,2).

    Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu rõ kể từ khi độ tuổi nghỉ hưu được tăng lên 62 với nam và 60 với nữ theo Bộ luật Lao động, giáo viên mầm non có rất nhiều tâm tư.

    Việc giảm độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và nêu ý kiến tại nghị trường, đồng thời nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.

    Luật Nhà giáo quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Các đối tượng nhà giáo khác sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu và đề xuất nếu có đủ căn cứ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/bo-truong-bo-gd-t-giai-trinh-ve-chinh-sach-tien-luong-tuoi-nghi-huu-nha-giao-a482682.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan