+Aa-
    Zalo

    Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân chưa thể thu phí khí thải xe máy

    (ĐS&PL) - Theo Bộ Tài chính, việc quy định thu phí đối với phương tiện giao thông không bảo đảm khả thi, đặc biệt là thu phí đối với xe máy, trong đó phần lớn là phương tiện thiết yếu của người có thu nhập thấp.

    Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định.

    Báo Đại Đoàn Kết dẫn thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, ở nước ta, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế, đe dọa môi trường.

    Ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn có xu hướng ngày càng gia tăng, có thời điểm ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông.

    Hiện tại, cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành và hàng chục khu tổ hợp, liên hợp tập trung nhiều loại hình sản xuất hàng ngày xả khí thải công nghiệp. Gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó 138 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chưa hoàn thành xử lý triệt để. 

    bo tai chinh ly giai nguyen nhan chua thu phi bao ve moi truong doi voi xe may1
    Theo Bộ Tài chính, việc quy định thu phí đối với phương tiện giao thông không bảo đảm khả thi, đặc biệt là thu phí đối với xe máy. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống

    Theo Bộ Tài chính, pháp luật về quản lý khí thải đã từng bước được hoàn thiện nhưng hoạt động quản lý quan trắc môi trường đối với khí thải cơ bản mới áp dụng được với các cơ sở có lượng xả khí thải lớn (thuộc diện phải quan trắc môi trường).

    Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là khoản thu mới. Để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ liên quan mới nghiên cứu và đề xuất quy định thu phí đối với 4 loại khí thải và áp dụng đối với cơ sở xả khí thải lớn; có điều kiện về công nghệ, thiết bị phục vụ hoạt động quan trắc môi trường làm cơ sở khai, nộp phí.

    Theo quy định tại Điều 88 Luật Bảo vệ môi trường, có hai nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí cần phải được quản lý và kiểm soát bụi, khí thải.

    Thứ nhất là phương tiện giao thông, máy, thiết bị, công trình xây dựng có phát tán bụi, khí thải. Đối với nguồn thải này, pháp luật chuyên ngành chưa có quy định để xác định tổng khối lượng xả thải, hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường trong khí thải; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xả thải và cơ quan quản lý trong việc đầu tư thiết bị, công nghệ để quản lý nguồn thải này.

    Vì vậy, nếu quy định thu phí đối với nguồn thải này thì chưa có cơ sở để xác định tổng khối lượng khí thải và số phí phải nộp. Mặt khác, việc quy định thu phí đối với phương tiện giao thông không bảo đảm khả thi, đặc biệt là thu phí đối với xe máy, trong đó phần lớn là phương tiện thiết yếu của người có thu nhập thấp sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

    Thứ hai là cơ sở, dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả khí thải. Đối với nguồn thải này, pháp luật về bảo vệ môi trường quy định đầy đủ hơn về quản lý khí thải, như: Dự án gây ô nhiễm môi trường lớn phải được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần (quản lý đầu vào đối với hoạt động xả thải); cơ sở, dự án xả khí thải phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, quan trắc định kỳ... và báo cáo dữ liệu quan trắc cho cơ quan tài nguyên môi trường (quản lý đầu ra đối với hoạt động xả thải).

    Trước một số ý kiến đề nghị thu phí bảo vệ môi trường đối với tất cả các loại khí thải, nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nêu trên, Bộ Tài chính khẳng định việc này "phải đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn và hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội", theo báo Dân Trí.

    bo tai chinh ly giai nguyen nhan chua thu phi bao ve moi truong doi voi xe may
    Phương pháp tính phí bảo vệ môi trường đối với khí thải được nêu trong dự thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Ảnh: Dân Trí

    Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng, việc xác định số phí bảo vệ môi trường phải nộp (khối lượng khí thải, hàm lượng chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải,…), kê khai, thẩm định số liệu khai phí là khó khăn. Do đó, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ nguồn thải, cơ quan quản lý trong việc quan trắc môi trường của khí thải.

    Cơ quan này đề xuất căn cứ thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là tổng khối lượng khí thải phát sinh và hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải. Các thông tin này được lấy từ số liệu quan trắc môi trường.

    XEM THÊM: Đêm nay (22/12), miền Bắc gia tăng rét buốt, đỉnh Fansipan có thể xảy ra mưa tuyết nhẹ

    Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có trách nhiệm hướng dẫn về hoạt động quan trắc khí thải, xác định lưu lượng khí thải, hàm lượng chất thải gây ô nhiễm chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

    Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của các cơ sở xả khí thải trên địa bàn quản lý; tổng hợp số liệu báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/5/2024.

    Dự thảo nghị định nêu: "Việc nộp phí bảo vệ môi trường đối với khí thải không là căn cứ xác nhận việc xả thải hợp pháp của cơ sở xả khí thải. Cơ sở xả khí thải vi phạm các quy định pháp luật về môi trường sẽ bị xử lý theo quy định về pháp luật môi trường".

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-tai-chinh-ly-giai-nguyen-nhan-chua-the-thu-phi-khi-thai-xe-may-a604580.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đề xuất kiểm tra khí thải định kỳ với mô tô, xe gắn máy: Chi phí khoảng 35.000 đồng/lần/năm

    Đề xuất kiểm tra khí thải định kỳ với mô tô, xe gắn máy: Chi phí khoảng 35.000 đồng/lần/năm

    Bộ GTVT đang lấy ý kiến của các bộ, ngành về dự án Luật Đường bộ (được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008). Điểm đáng chú ý của dự luật là việc cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định mô tô, xe máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo quy định.