(ĐSPL) - Theo chuyên gia tâm lý khi trẻ vị thành niên có quan hệ tình cảm với bạn khác giới thì cha mẹ nên có cách giải quyết đúng đắn để định hướng cho con đi đúng đường.
Gần đây trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội các bậc phụ huynh rất lo lắng về tình trạng yêu quá sớm ở trẻ. Hầu hết các bậc phụ huynh cho rằng khi trẻ yêu sớm sẽ ảnh hưởng đến việc học hành rồi cả tương lai sau này của trẻ. Khi yêu trẻ sẽ lười học, chơi bời nhiều hơn… nhưng các bậc phụ huynh nên làm như thế nào để có thể bảo vệ con một cách tốt nhất, PV có cuộc trao đổi với Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất – GĐ Công ty tư vấn An Việt Sơn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho biết, việc các bậc cha mẹ lo lắng khi phát hiện ra con mình yêu sớm là hoàn toàn đúng, trong gia đình cha mẹ sợ nhất con mình lớn lên mà không trưởng thành. Nhưng theo chuyên gia thì các bậc cha mẹ ở Việt Nam đang can thiệp quá nhiều của con cái, cha mẹ luôn muốn con làm theo ý mình và bắt con mình làm việc này việc khác theo sự sắp đặt, không khác gì biến con thành nô lệ.
Có nhiều phụ huynh nói con mình ngoan lắm nhưng hiện tại cha mẹ không hiểu đúng nghĩa của chữ ngoan, con ngoan không có nghĩa là bảo gì làm đấy, ra lệnh sao con làm vậy. Cách đây 100 năm cha mẹ nói gì con nghe theo đó thì là ngoan nhưng hiện tại cha mẹ cần để con làm chủ, đừng để con thụ động luôn làm theo mệnh lệnh, không làm chủ được bản thân mình, không có quan điểm và chính kiến riêng.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất. |
Theo chuyên gia, hiện tại học sinh trung học đang làm cho bố mẹ lo lắng khi có quan hệ tình cảm, nhưng cha mẹ nên biết lứa tuổi này chưa phải là yêu mà chỉ là tình cảm yêu quý, thích.
Giải thích về thế nào là yêu, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất chia sẻ: “Yêu một người phải suy nghĩ đến tương lai, nghĩ đến việc mình làm gì cho người đó, cưới xin ra sao, sinh con dạy con thế nào. Ở lứa tuổi từ 13 đến 15 tuổi mới chỉ là thích. Ví dụ thấy bạn đá bóng hay, học giỏi, hát hay là các bạn khác giới đã thích nhau rồi. Khi có biểu hiện thích ai đó thì các bạn nam và nữ gần nhau hơn để chia sẻ, khi 2 người khác giới tiếp xúc với nhau thì theo khoa học họ sẽ tiết ra hoocmon muốn gần gũi nhau, đây là thích ban đầu của tuổi dậy thì nên ta nói yêu là không đúng”.
Biết được những đặc điểm trên của trẻ, bố mẹ nên nhận định đây chưa phải là tình yêu, theo những nhà nghiên cứu con gái dưới 22 tuổi mà có tình cảm với một người con trai thì đó chưa phải là yêu mà chỉ là thích người khác giới.
Theo đó, chuyên gia Nguyễn An Chất phân tích: “Tổi vị thành niên thường tò mò, thích khẳng định mình như hút thuốc lá, đá bóng hay, múa, đàn… đều cảm thấy hãnh diện được mọi người chú ý cho nên bây giờ các cháu chủ yếu muốn thể hiện mình”.
Nên việc thích người khác giới là để khẳng định mình làm được điều đó, thứ hai là muốn hiểu được điều đó theo kiểu tò mò chứ không phải khoa học.
Giải thích thêm về việc tại sao trẻ lại có tình cảm với người khác giới sớm hơn, chuyên gia nói: “Các cháu nhận thông tin đa dạng, đa chiều, đa sắc màu từ xã hội hoặc chính người lớn có những hành động vô tình khiến cho tính tò mò của các cháu tăng lên ví dụ như ngay bố mẹ ở nhà, ngoài phố, ngoài công viên có các cặp đôi tình cảm với nhau… chính những việc này khích động tính tò mò của các cháu”.
Ngoài ra do tâm lý tuổi vị thành niên có những thay đổi mạnh mẽ, trẻ thấy đi với người khác giới cảm thấy hãnh diện, lúc này trẻ cảm nhận chứ chưa phải là yêu nhưng lại rất nguy hiểm vì trẻ chưa đủ hình thành về ý chí để đưa ra những quyết định đúng đắn mà chỉ bắt chước là chính.
Nhưng quan trọng là bố mẹ cần hiểu con mình, hiểu tâm lý tuổi vị thành niên để định hướng cho con mình. Cha mẹ nên làm thế nào để chính những người con của mình mong muốn được tâm sự, chia sẻ với mình, như vậy cha mẹ sẽ tự nhiên biết được những thay đổi của con mà định hướng cho con.
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em ở Việt Nam đang rất thiệt thòi, đáng lẽ bố mẹ luôn bên cạnh con như một người bạn để kích lệ, động viên chia sẻ với con, nhưng ở Việt Nam nhiều trẻ em không được hướng dẫn, không được chia sẻ về kinh nghiệm sống, giáo dục cho trẻ vị thành niên ở Việt Nam đang bị hạn chế ở cả gai đình, xã hội, nhà trường.
Theo chuyên gia, đặc biệt là về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản thì trẻ chưa được chia sẻ và hướng dẫn nhiều, trẻ chỉ làm theo những gì mình biết chứ nhiều khi không dám hỏi và nói với cha mẹ, nhiều trường hợp dẫn đến việc trẻ ra đường hỏi người khác, nếu hỏi đúng người tốt thì không sao nhưng hỏi phải người xấu thì họ lại chỉ cho trẻ đi theo hướng lệch lạc.
Vì vậy, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, ở lứa tuổi vị thành niên cha mẹ cần khích lệ, động viên, khen thưởng và phê bình một cách nghiêm túc. Trẻ cần nhận đượ sự cảm thông từ người lớn .
“Các cháu muốn gần nhau, đến với nhau là do cảm nhận về cảm tính, nếu cha mẹ không biết mà trấn áp trẻ thì sẽ để lại hậu quả không lường. Ở tuổi vị thành niên nếu càng bị trấn áp, trẻ càng làm ngược lại ý cha mẹ.
[poll3]925[/poll3]