+Aa-
    Zalo

    Bố mẹ ly tán, nữ sinh quậy phá trả thù?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi biết tin bản thân bị Ban giám hiệu trường THCS Trần Quốc Toản đuổi học 1 năm vì vi phạm nội quy của trường quá nhiều lần, L. đã uống thuốc tự tử.

    (ĐSPL) - Khi biết tin bản thân bị Ban giám hiệu trường THCS Trần Quốc Toản đuổi học 1 năm vì vi phạm nội quy của trường quá nhiều lần, L. đã uống nhiều loại thuốc tân dược tự tử. Vụ việc gây xôn xao dư luận khắp tỉnh Cà Mau. Sau khi sự việc xảy ra, PV báo Đời sống và Pháp luật tiếp xúc các bên để làm rõ các tình tiết liên quan.

    Là người túc trực chăm sóc nữ sinh Nguyễn Thị Thu L. (ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau; học sinh lớp 8 trường THCS Trần Quốc Toản), bà Lê Thị Quỳnh (bà nội L.; ngụ xã Thạnh Phú) biết rõ nhất nội tình của việc nữ sinh L. uống thuốc tân dược tự tử. PV đã có cuộc trao đổi với bà Quỳnh vào chiều 12/5.

    Trường THCS Trần Quốc Toản – nơi L. học tập.

    Thưa bà, thời điểm nào gia đình phát hiện nữ sinh L. uống thuốc tân dược tự tử?

    Sáng 5/5, tôi có công việc nên đi ra khỏi nhà từ sớm. Trước khi đi, cháu nội tôi là L. vẫn còn ngủ ở trong phòng riêng. Thấy vậy, tôi dặn người thân trông chừng cháu, vì dạo gần đây, cháu có biểu hiện tinh thần không được ổn định. Tuy nhiên, khi đi công việc về thì tôi thấy cửa phòng ngủ khóa trái bên trong. Nghi có chuyện không hay xảy ra, tôi gọi L. nhiều lần nhưng bên trong phòng không ai lên tiếng.

    Quá hoảng hốt, tôi liền phá cửa xông vào bên trong, phát hiện L. đang co giật, mắt trợn ngược, xung quanh có nhiều vỏ thuốc tây. Ngay sau đó, tôi truy hô người thân rồi đưa L. vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cấp cứu. May mắn vì phát hiện kịp thời nên giờ L. đã qua cơn nguy kịch.

    Nguyên nhân vì sao khiến nữ sinh L. tự tử tại phòng riêng, thưa bà?

    Sự việc dài lắm. L. được xem là một học sinh “cá biệt” trong lớp. Trong thời gian đi học, L. thường xuyên vi phạm nội quy của nhà trường, đặc biệt là hay đánh bạn. Mặc dù Ban giám hiệu, Tổng phụ trách đội, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở nhưng L. vẫn không sửa đổi. Ngày 13/3 vừa qua, trường THCS Trần Quốc Toản thành lập Hội đồng kỷ luật và ra quyết định tạm đình chỉ học tập 1 tuần (từ ngày 16/3 đến ngày 21/3/2015) đối với L., vì vi phạm nội quy nhà trường, đánh bạn học. Tuy nhiên, sau đó, L. lại tiếp tục tái phạm nghiêm trọng hơn và Ban giám hiệu nhà trường quyết định đình chỉ học tập 1 năm (từ ngày 20/4/2015 đến ngày 19/4/2016).

    Khi hay tin mình bị đuổi học, L. bắt đầu hoang mang. Đặc biệt, tinh thần của L. có dấu hiệu bất thường. Do u uất vì chuyện bị đuổi học nhiều ngày nên L. đã dùng thuốc tân dược để tự tử.

    Thưa bà, sau khi nhận quyết định L. bị kỷ luật đuổi học 1 năm, gia đình có làm việc với Ban giám hiệu trường THCS Trần Quốc Toản không?

    Sau khi nhận quyết định kỷ luật từ Ban giám hiệu nhà trường, tôi và người thân đến gặp Ban giám hiệu và nhận lỗi trước những hành vi sai trái của L. Do vẫn muốn cho L. đi học nên tôi và người thân xin nhà trường cho L. đi học trở lại, nhưng không được nhà trường chấp nhận. Khi biết thêm thông tin này thì L. bị sốc và hoang mang thật sự.

    Theo bà, nguyên nhân sâu xa của vụ việc này là gì?

    Cuộc sống của L. khổ ngay từ bé. Trước đây, con trai tôi là anh Nguyễn Quốc Bảo lấy chị Phạm Thị Thu Hoa (người cùng địa phương). Kết quả của cuộc hôn nhân đó là cháu L. Tuy nhiên, do vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên cả hai đã ly hôn. Tòa tuyên L. ở với cha. Do phải mưu sinh khắp nơi nên L. về sống với tôi là bà nội cháu. Thời gian gần đây, L. đã cảm nhận được việc thiếu vắng tình cảm gia đình, đặc biệt là mẹ nên thường xuyên tỏ ra buồn chán, suy nghĩ tiêu cực.

    Do biết L. thiếu thốn tình cảm nên tôi thường xuyên tâm sự, khuyên bảo cháu. Biết cách vượt qua khó khăn nên L. học hành khá tốt. Nhiều năm liền đặt học sinh khá, giỏi. Tuy nhiên, bản thân L. đang mang dị tật ở trên đầu nên ít nhiều ảnh hưởng đến vấn đề thần kinh, có lúc căng thẳng không kiểm soát được mình.

    Để giúp nữ sinh L. vượt qua cú sốc này, gia đình có cách gì chưa?

    Mặc dù L. đã được các bác sỹ cứu mạng nhưng tinh thần của L. thì vẫn rất hoang mang, dễ nảy sinh tiêu cực. Hai ngày qua, L. không nói chuyện với ai, thường xuyên lảm nhảm một mình. Trước mắt, tôi sẽ thường trực ở bên chăm sóc cũng như giúp cháu vượt qua cú sốc này. Bên cạnh đó, tôi sẽ làm việc với Ban giám hiệu trường THCS Trần Quốc Toản cùng phòng GD-ĐT địa phương để giúp L. sớm quay trở lại trường học. Tôi nghĩ, chỉ có như vậy thì L. mới bình tâm và thay đổi bản thân được.

    Xin cảm ơn bà về cuộc chia sẻ này!

    Sáng 13/5, ông Nguyễn Trung Thượng (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Phòng đã nhận được đơn xin cứu xét của gia đình L., mong lãnh đạo phòng tạo điều kiện cho nữ sinh thi học kỳ 2. Chiều 11/5 vừa qua, phòng đã làm việc với nhà trường và đã quyết định sẽ tạo điều kiện cho L. quay trở lại trường học; đồng thời sẽ giúp L. ôn thi lại các môn do bị đình chỉ thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, Phòng cũng chỉ đạo Ban giám hiệu trường THCS Trần Quốc Toản giúp nữ sinh này vượt qua cú sốc”.

    Thạc sỹ Phan Thị Kim Huyền (chuyên gia tâm lý - trung tâm Tư vấn Tâm Lý Việt) cho biết: “Sự việc xảy ra là đáng tiếc và là một bài học cho những người làm trong ngành giáo dục. Tôi cho rằng, việc kỷ luật bằng các hình thức kỷ luật 1 tuần, 1 năm là đúng quy định của ngành. Mặt tốt của hình thức này là giúp học sinh, gia đình nhận ra những cái sai mà sửa chữa. Tuy nhiên, mặt xấu là chuyện tiêu cực mà nữ sinh L. đã làm. Trong sự việc lần đầu, gia đình và nhà trường cần sớm tạo điều kiện giúp L. sớm quay trở lại trường học, đồng thời cần giúp đỡ L. vượt qua cú sốc này. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm cần phải trao đổi, trò chuyện với các bạn học của L. để tránh có các hành động tiêu cực…”.

    Ông Đoàn Thanh Lũy.

    Ông Đoàn Thanh Lũy (Hiệu trưởng trường THCS Trần Quốc Toản) cho hay: “Sự việc xảy ra quá bất ngờ, Ban giám hiệu nhà trường không thể lường trước được. Trước sự việc nghiêm trọng này, Ban giám hiệu sẽ vào cuộc tìm hiểu, để ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra. Cụ thể, vào khoảng 19h tối 5/5, L. có lên Facebook chia sẻ thông tin về việc mình uống thuốc tự tử. Sau đó thì nhà trường nhận tin L. hành động thật”.

    Ông Lũy còn cho hay: “Ngày 12/3, L. đánh bạn học cùng trường nhiều lần, ngay trong trường, rồi đưa lên Facebook khoe. Khi phát hiện, Ban giám hiệu quyết định đình chỉ học một tuần đối với L. Đồng thời, ngày 16/3, Tổng phụ trách đội và giáo viên chủ nhiệm nhận nhiệm vụ theo dõi, giúp đỡ L. khi đi học trở lại. Thế nhưng, sau một tuần quay trở lại trường, L. tiếp tục vi phạm nội quy, đánh bạn cùng trường. Ngày 18/4, Ban giám hiệu quyết định mời gia đình các em đánh nhau để tìm cách xử lý nhưng gia đình nữ sinh không đến”.

    Cũng theo ông Lũy, ngày 20/4, Ban giám hiệu ra quyết định đình chỉ học 1 năm đối với L. Đến ngày 22/4, người thân của L. đến trường, có nhiều lời lẽ khiếm nhã. Đến ngày 24/4, người thân của L. đã đến gặp Ban giám hiệu xin lỗi và làm đơn yêu cầu xin cho L. đi học trở lại. Tuy nhiên, Ban giám hiệu nhà trường không đồng ý.

    “Tôi được biết, sau khi bị đình chỉ học tập, L. thường xuyên tụ tập bạn xấu, quậy phá... Quyết định kỷ luật của nhà trường là bất đắc dĩ, chỉ mong muốn gia đình uốn nắn L. ngoan ngoãn trở lại. Các quyết định kỷ luật của nhà trường là đúng quy định. Chuyện xảy ra là rất đáng tiếc”, ông Lũy chia sẻ thêm.

    Q.HUY - T.THẠCH

    Xem thêm clip: 101 kiểu gian lận của sĩ tử khiến giám thị... bó tay

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-me-ly-tan-nu-sinh-quay-pha-tra-thu-a94554.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.