Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đã phối hợp với Bộ Công Thương làm việc với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô để trao đổi, làm rõ những nội dung doanh nghiệp kiến nghị để từ đó đưa ra các đề xuất.
Kể từ thời điểm Nghị định 116 được ban hành, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tại Việt Nam đã nêu lên những khó khăn như việc cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô (VTA) bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.
Sau thời gian làm việc giữa Bộ GTVT và Bộ Công Thương với các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô để trao đổi, làm rõ những nội dung doanh nghiệp vướng mắc, Bộ GTVT đã có kiến nghị với Chính phủ xem xét phương án sửa đổi một số quy định tại Nghị định 116. Từ đó, Bộ GTVT sẽ tiến hành sửa đổi Thông tư 03 cho phù hợp với Nghị định.
Tuy nhiên, Bộ GTVT khẳng định một số mẫu VTA do doanh nghiệp cung cấp phù hợp với Nghị định 116 và Thông tư 03.
Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ xem xét phương án sửa đổi một số quy định tại Nghị định 116 theo hướng tháo gỡ như kiến nghị của các doanh nghiệp đề xuất. Ảnh: Infonet |
Mặc dù vậy, để thể hiện sự cầu thị đối với các đề xuất vướng mắc của doanh nghiệp, Bộ GTVT đưa ra 2 phương án kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi một số quy định tại Nghị định 116 theo hướng tháo gỡ như doanh nghiệp đề xuất.
Cụ thể, phương án 1 là kiến nghị Chính phủ tiếp thu toàn bộ các kiến nghị của doanh nghiệp và chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ và doanh nghiệp sửa đổi nội dung tại Nghị định 116.
Phương án 2 là trước mắt tiếp tục thực hiện nghiên cứu theo Nghị định 116 và Thông tư 03 của Bộ GTVT trong một thời gian nữa, nếu thực sự có vướng mắc bất cập đúng như phản ánh của doanh nghiệp thì tiến hành sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết các phản ánh của doanh nghiệp đến thời điểm này cũng đã được làm và vẫn còn doanh nghiệp đang hoàn tất các thủ tục đăng kiểm để đưa xe ra thị trường trong tháng 3/2018.
Bộ GTVT cũng rằng việc sửa đổi cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Ví dụ, nếu sửa đổi Nghị định 116 theo hướng xe nhập khẩu chỉ thử nghiệm an toàn và khí thải lần đầu tiên, 6 tháng sau mới tiến hành kiểm tra lại sẽ tạo lỗ hổng cho các doanh nghiệp nhập khẩu lách luật, tránh các bước kiểm tra của cơ quan chức năng, dẫn đến chất lượng của các xe không được kiểm soát chặt chẽ và quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Với dung lượng thị trường 300 nghìn xe/năm, Bộ GTVT cho rằng các doanh nghiệp nhập khẩu không thể nhập khẩu lô hàng có số lượng ít mà mỗi lô ít nhất phải hàng trăm xe, do đó việc lấy một mẫu xe trong lô hàng để kiểm tra khí thải và an toàn thì không phát sinh chi phí đáng kể cho doanh nghiệp. Nếu trong quá trình thực hiện các nhà nhập khẩu thực sự tiết kiệm thì chi phí thử nghiệm là khoảng 50 triệu đồng.
Vũ Đậu (T/h)