Mới đây, bộ GD&ĐT đã trình chính phủ phương án thi THPT quốc gia năm 2020 ứng phó với việc ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia 2020. Ảnh minh họa: VOV |
Ngày 15/4, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ này đã trình chính phủ phương án thi THPT quốc gia năm 2020 ứng phó với Covid-19.
Theo tính toán của bộ GD&ĐT, nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15/6 và như vậy kỳ thi THPT Quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8.
Như vậy, sau khi kết thúc năm học vào ngày 15/7, học sinh cuối cấp còn gần 1 tháng để ôn tập, bằng thời gian ôn tập những năm trước.
Mặt khác, từ khi có hướng dẫn dạy học trực tuyến và qua truyền hình của bộ GD&ĐT từ 25/3, các trường đều dạy và học theo phương thức này.
Nếu tính từ 15/4 - thời gian các trường dạy học trực tuyến, trên truyền hình (một số nơi triển khai sớm hơn), cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi học sinh quay lại trường (muộn nhất là 15/6) thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
Nếu thời gian đi học sau ngày 15/6, bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có phương án thi phù hợp.
Theo ông Độ, nếu vẫn tổ chức thi THPT quốc gia thì phương thức cơ bản vẫn giữ nguyên nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp. Đề thi tham khảo vừa công bố cũng đã điều chỉnh. Bộ cũng sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu với học sinh.
Trong trường hợp bất khả kháng, bộ GD&ĐT cũng tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi, giao cho các địa phương xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Bộ này sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.
Đại diện các trường đại học cho biết hiện nay vẫn đang chờ phương án chính thức của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Nếu không có kỳ thi THPT quốc gia, một số trường đã lên phương án có thể sẽ điều chỉnh phương án tuyển sinh theo 2 bước: Sơ tuyển và kiểm tra riêng. Trong đó, việc sơ tuyển dựa trên các kết quả học tập đã có sẵn của học sinh như học bạ, chứng chỉ tiếng Anh.
Sau bước sàng lọc này, thí sinh được chọn sẽ tiếp tục qua kỳ thi hoặc kiểm tra, phỏng vấn.
Hiện nay, theo tính toán của Bộ thì có khoảng 20 trường ĐH có thể tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh riêng.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều lãnh đạo trường THPT vùng khó khăn cho rằng tính toán của bộ GD&ĐT phải dựa trên bình diện quốc gia chứ không thể nhìn vào một số trường hoặc một số địa phương làm tốt để quy định cho đại trà.
Bạch Hiền (t/h)