16h30 ngày 29/11, Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Tuy nhiên trước đó, vào đầu giờ chiều, Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025” bị lộ ra ngoài trước giờ công bố.
Về việc này, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Huỳnh Văn Chương lý giải, theo lịch 16h30 ngày 29/11 Bộ sẽ công bố chính thức về phương án thi. Tuy nhiên để có công bố ngày hôm nay, Bộ đã phải qua rất nhiều khâu khác nhau.
“Tuy nhiên việc văn bản chốt phương án thi công bố ra trước giờ cuộc họp công khai chính thức, Bộ GD&ĐT đang tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ”, PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho hay.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết thêm, văn bản phê duyệt phương an Thứ trưởng đã ký từ ngày 28/11. "Đây cũng không phải văn bản mật nên việc sử dụng từ lộ không hợp lý. Đồng thời, cũng không có luật cấm việc nguồn văn bản phát ra trước kế hoạch công bố", Thứ trưởng cho hay.
Theo đó, phương án tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT đã chốt với 4 môn. Trong đó 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn thí sinh được lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025” giúp đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Trao đổi thêm về định hướng xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cho hay, Bộ GD&ĐT dựa trên 3 nguyên tắc lớn.
Thứ nhất, căn cứ vào các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, trong đó nhấn mạnh các từ khóa như "kỳ thi phải giảm áp lực", "gọn nhẹ", "giảm tốn kém cho xã hội".
Thứ hai, cuộc thi bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục 2018.
Thứ 3, kế thừa kinh nghiệm của những năm gần đây về kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo PGS Chương, để thực hiện phương án này, Bộ đã vạch rõ lộ trình triển khai với 2 giai đoạn.
Giai đoạn 2025 - 2030: Giữ ổn định phương thức thi trên giấy.
Giai đoạn sau 2030: Từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
“Tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp trung học phổ thông thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước”, PGS Chương nói.
Ngoài ra, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho hay, sau khi công bố Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GDĐT sẽ ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai Phương án này đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra.
Mộc Trà